Lịch sử giáo xứ

Kẻ Sặt nhân chứng

“Máu Tử đạo là hạt giống, làm nảy sinh các Kitô hữu”. Hạt giống này, Kẻ sặt đã đóng góp,…

Văn hào Tertulianô đã khẳng định với đầy xác tín: “Máu Tử đạo là hạt giống, làm nảy sinh các Kitô hữu”. Hạt giống này, Kẻ sặt đã đóng góp, nói được, không phải là nhỏ, cho dù Kẻ Sặt chưa có một hạt giống nào được Giáo hội lữ hành nâng lên Bàn thờ tôn kính. Điều này, theo cái nhìn nhân loại, là thua kém, nhưng trên phương diện đức tin và trước nhan Chúa, việc tôn kính của các Ngài không vì thế mà suy giảm.

Sự đóng góp của Kẻ Sặt đã có, từ những giai đoạn đầu của tiến trình làm chứng: “cụ Luca Thu đã dâng hiến máu hồng, trong thời nhà Trịnh”.

Vì khuôn khổ và vì hoàn cảnh, chúng tôi chi xin giới hạn trong phạm vi những vị Tử đạo, tại Hải Dương, dưới triều vua Tự Đức từ năm 1861- 1862. Việc tường thuật đầy đủ hi vọng sẽ tới tay quý vị trong một dịp thuận tiện khác.

I. THỜI ĐIỂM TỪ 1858 – 1862: Niềm tin của người Công giáo Việt Nam, phải nói, bị thử thách thật nặng nề.

a. Khởi đầu là chiếu chỉ năm 1851: Hai sự kiện đã là nhân làm nảy sinh chiếu chỉ này

  • Đất nước bị nhiều thiên tai và người Công giáo bị gán cho là căn cớ: “Theo tà đạo nên Trời Phật phạt”.
  • Vụ nổi loạn của Hoàng Bảo, trong đó, Triều Đình nghi, mặc dù ở ngoài sự thực, có bàn tay của người Công giáo nhúng vào.

b. Tiếp theo là chiếu chỉ năm 1855: Lệnh cấm gắt gao hơn.

c. Sau khi quân Pháp chiếm cửa Hàn (Đà Nẵng): chiếu chỉ năm 1858 được ban hành. Thử thách tăng thêm độ nóng.

d. Chiếu chỉ năm 1859 tiếp nối: Cắt đứt liên lạc giữa mọi thành phần Công giáo.

e. Sau đó là sắc lệnh năm 1860: Phân chia người Công giáo với nhau và sát nhập vào với người Lương (Phân sáp). Thử thách đã lên đến đỉnh cao của nhiệt kế.

II. KẺ SẶT LÊN ĐƯỜNG LÀM CHỨNG: Từ 01/12/1859 tới 16/01/1860, Kẻ Sặt đã có 70 vị Đầu mục bị dẫn độ tới công trường.

III. 26 CHỨNG NHÂN TUẪN GIÁO: Trong số 70 vị Đầu mục nêu trên, 26 vị đã dùng máu đào minh chứng niềm tin:

  • Phanxicô Khang, 62 tuổi, lý trưởng, làm thợ bạc.
  • Đaminh Quyền, 55 tuổi, lý trưởng.
  • Đaminh Khuông (Cuông), 54 tuổi, thương gia.
  • Đaminh Cần, 49 tuổi.
  • Tôma Ba, 49 tuổi, ông đồ.
  • Gioan Đắc, 48 tuổi, ông vệ.
  • Gioan Hậu, 45 tuổi, Phó lý.
  • Đaminh Lập, 41 tuổi, ông vệ.
  • Đaminh Nhuận (Nhuệ) 45 tuổi, Phó lý, thương gia.
  • Đaminh Xảo, 45 tuổi.             
  • Đaminh Kháng, 43 tuổiôngvệ.
  • Đaminh Tuấn, 51 tuổi, ông vệ.
  • Vicentê Đạt, 40 tuổi, lang y.
  • Phêrô Bích 40 tuổi, ông Khán.
  • Đaminh Mậu, 39 tuổi, ông vệ.
  • Phanxicô Châu, 39 tuổi, ông vệ.
  • Gioan Căn, 36 tuổi, ông vệ.
  • Gioan Thoa (Soa), 34 tuổi, ông vệ.
  • Phanxicô Chi, 48 tuổi, ông vệ.
  • Đaminh Tô, 33 tuổi, ông khoá.
  • Đaminh Thuận, 31 tuổi, thương gia.
  • Đaminh Dụng, 31 tuổi, ông khán.
  • Đaminh Lục, 31 tuổi, lang y.
  • Đaminh Phổ, 28 tuổi, ông vệ.
  • Phêrô Linh, 27 tuổi, thanh niên nhập ngũ.
  • Phêrô Nhàn, 71 tuổi, lang y, chết trong tù.

IV. NHỮNG NGÔN TỪ ĐÁNG GHI NHỚ

  • Tôi thà chết vi Chúa. Đó là diều duy nhất, tôi hằng ôm ấp trong lòng. Nghĩa là tôi thà chịu đòn vọt hơn là bước qua tượng Chúa” (lời tuyên xưng của ông Đaminh Khuông).
  • Tôi sinh ra năm nay đã 50 tuổi. Tôi không trông gì ở đời này nữaChết tôi không lo. Tôi nhất định, dù khổ hình nào quan bầy ra, tôi xin chịu” (lời tuyên xưng của ông Tôma Quyền).
  • Chớ gì xin Chúa cho con được chết vì đức tin, đó là điều trọn hảo nhất của con” (lời tuyên xưng của ông Tôma Cần).
  • Nếu con bỏ đức tin, thì cha không nhận con làm con rể nữa” (lời nói của ông Xảo với con rể, cùng bị giam với ông, nhưng có vẻ ngã lòng).
  • Anh em hãy vui vé chịu khó đi, chúng ta đang đợi phúc trường sinh mai hậu” (lời ông phó Hậu khích lệ anh em bạn tù).
  • Bà phải lo rửa tội cho 10 trẻ em ngoại giáo sắp chết, để nhờ các linh hồn ấy cầu bầu, tôi mới vững lòng chịu khó cho nên” (lời ông vệ Phổ nóị với vợ ông).

V. NGÀY VINH QUANG

Ngày 09/05/1862 tại pháp trường “Năm Mẫu” phía Bắc, ngoại thành Hải Dương, gần bến đò Hàn, gần 200 chứng nhân của địa phận Hải Phòng dâng hiến máu đào, như lời tuyên xưng hùng hồn, cho niềm tin vào Đức Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ loài người. Trong đó, Kẻ Sặt đóng góp 25 vị. Ông Phêrô Nhàn, cũng người Kẻ Sặt, đã đi về với Chúa trước ngày đó, tổng cộng là 26 vị. 

Thi hài của 26 vị Kẻ Sặt, được dân xứ đưa về an táng tại nhà thờ khu Thượng. Sau này, khi nhà thờ lớn được kiến thiết tại trung tâm làng, hài cốt các Ngài được di về chôn cất tại cung thánh.

Chúng ta là con cháu của các Ngài, chúng ta hãy hân hoan cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân trọng đại là được làm con cháu các Thánh, chúng ta hãy hằng ngày khẩn khoản xin Chúa thương, để các tôi tớ Chúa, chóng được đặt lên tòa cho chúng ta tôn kính.

Thanh Thảo
Trích “Đặc san kỷ niệm 20 năm Thánh đường Hố Nai – Biên Hoà

Bản Tin

Exit mobile version