Mùa thường niên
“Yến bạc cuộc đời” – Chúa nhật XXXIII Thường niên A
Nếu cuộc đời con người được ví như một chuyến đi, thì chuyến đi ấy có lúc khởi đầu và lúc tới đích.
Vào lúc cuối năm, Phụng vụ nhắc nhớ chúng ta nghĩ đến lúc sau hết của cuộc đời. Nếu cuộc đời con người được ví như một chuyến đi, thì chuyến đi ấy có lúc khởi đầu và lúc tới đích. Khi sinh ra từ lòng mẹ, chúng ta khởi đầu chuyến đi có tên là “cuộc đời”; khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta đạt tới đích điểm, có tên là “sự chết”. Từ khởi đầu đến kết thúc của chuyến đi ấy, có biết bao chuyện vui buồn, nhân tình thế thái vô cùng phức tạp. Làm người sống trên trần gian, phải khôn ngoan thận trọng để giữ được tâm thế bình an giữa bao xáo trộn của cuộc đời.
Vậy, từ lúc khởi đầu đến kết thúc chuyến đi cuộc đời ấy, chúng ta đã làm gì? Nói cách khác, chúng ta đã sử dụng thời gian Chúa ban cho chúng ta như thế nào? Có những người sống tốt lành, khi chết ra đi trong niềm tiếc thương mến mộ của người ở lại; nhưng cũng có những người khi chết, người quen biết cảm thấy dửng dưng, nếu không nói là mừng thầm. Chúa Giêsu trong Tin Mừng đã dùng hình ảnh một ông chủ trao vốn liếng cho những đầy tớ. Một tác giả đã nghiên cứu lịch sử và lượng giá một “talent” hay một yến bạc thời Chúa Giêsu tương đương với thu nhập của 15 năm đối với một người lao động bình thường. Lưu ý, số vốn được trao gọi là “yến bạc”, trong một số ngôn ngữ khác, như tiếng Anh, tiếng Pháp, chữ “yến bạc – talent” này đồng nghĩa với “tài năng – talent”. Như thế, chúng ta có thể hiểu số vốn mà ông chủ trao cho các đầy tớ theo nghĩa rộng hơn nhiều. Cũng từ đó mà suy ra, Chúa Giêsu muốn qua câu chuyện này để nói về Thiên Chúa. Ngài là Ông Chủ của hoàn vũ và của nhân loại. Ngài trao cho mỗi người một số vốn tuỳ theo khả năng của họ. Số vốn này là sức khoẻ, trí tuệ, bạn bè, gia đình, nghề nghiệp… Dù được trao số vốn bao nhiêu, chúng ta cũng phải làm cho sinh lợi tương ứng với số vốn ấy. Những gì chúng ta có được, kể cả tài năng và của cải, đều là Chúa trao cho chúng ta quản lý và sinh lợi. Sẽ đến lúc chúng ta phải tường trình về cách sử dụng những tài năng và của cải đó. Người được trao một yến bạc duy nhất lười biếng đến nỗi đem đi chôn, đến thời hạn thì đào lên để trả lại chủ. Người này vừa dại dột, lười biếng, lại chỉ nghĩ xấu về chủ mình, nên đã bị ông chủ trách mắng nặng lời và kết thúc cuộc đời trong đau thương. Hình ảnh “nơi khóc lóc nghiến răng” là cách nói để diễn tả hỏa ngục. Chúng ta cũng thế, dù ở bậc sống nào và trong điều kiện kinh tế nào, cũng phải tận dụng thời gian và tất cả những gì mình có để làm sinh lợi trước mặt Chúa và trước mặt anh chị em mình.
Bài Tin Mừng Chúa nhật 33 này nằm trong ngữ cảnh các bài giảng của Chúa Giêsu về ngày cánh chung. Chúng ta phải làm gì để không bị lên án vào ngày tận thế? Tiếp nối giáo huấn của Chúa nhật trước, Lời Chúa mời gọi và cảnh báo chúng ta: hãy tỉnh thức! Tỉnh thức theo nghĩa của Tin Mừng là thận trọng, khiêm nhường, sống thiện lành, quan tâm đến tha nhân và nhất là sẵn sàng ra trình diện Chúa bất kỳ lúc nào Chúa đến gọi mình. Theo suy nghĩ thông thường, người ta kiêng không nói đến sự chết, vì coi đó là chuyện rủi ro. Tuy vậy, không phải vì thế mà chúng ta quên được sự chết. Cũng có người đi xem bói toán để biết mình sống thọ đến bao lâu, nhưng thay vì được bình an thì lại chuốc lấy nỗi lo lắng cho bản thân, để rồi tiền mất tật mang. Thánh Phaolô khuyên giáo dân Thê-xa-nô-li-ca hãy tỉnh thức và hãy sống như con cái sự sáng. Ngài khuyên mọi người đừng ngủ mê, nhưng hãy tỉnh thức và tiết độ. Đây cũng là một trong những giáo huấn quan trọng của Chúa Giêsu.
Tỉnh thức và tiết độ xem ra là điều khó khăn đối với chúng ta. Không hẳn thế! Một hình ảnh được Phụng vụ nêu để làm ví dụ về tỉnh thức và tiết độ, đó là một người phụ nữ đảm đang việc nhà, khiêm tốn và âm thầm phục vụ chồng con. Bà làm việc trong tâm thế an bình, không đua đòi, không giận hờn tranh chấp. Tác giả sách Châm Ngôn nói với chúng ta: nên thánh không đòi hỏi những việc phi thường, nhưng là chu toàn bổn phận trong khiêm nhường và phục vụ, với ý thức mình đang sống dưới cái nhìn yêu thương của Chúa, và đang tận tuỵ phục vụ tha nhân.
Đức tin Công giáo nói với chúng ta: Thiên Chúa là chủ lịch sử. Ngài yêu thương chúng ta và Ngài mong chúng ta sống tốt. Tài sản vốn liếng Chúa ban cho chúng ta rất dồi dào, có điều ít khi chúng ta nhận ra điều ấy. Xin cho chúng ta biết sử dụng “yến bạc cuộc đời” một cách ý thức, với thiện chí xây đắp cuộc sống an bình, mang hạnh phúc cho bản thân cũng như những người lân cận.
Chúa nhật này, nhiều nơi cử hành lễ trọng thể kính các thánh Tử đạo Việt Nam. Năm nay, chúng ta kỷ niệm 35 năm, ngày thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong 117 vị Anh hùng Tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh (1988-2023). Các thánh Tử đạo đã tỉnh thức, kiên nhẫn và nhất là vững tin vào sự sống đời sau. Niềm xác tín này đã giúp cho các ngài can đảm chịu mọi tra tấn gông cùm. Các ngài sẵn sàng hy sinh sự sống ở đời này để tìm lại được sự sống ở đời sau. Xin các thánh Tử đạo cầu bầu cho chúng ta biết khôn ngoan làm cho sinh lợi yến bạc mà Chúa trao gửi, để mai sau cùng được vinh quang với các ngài.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org