Mùa thường niên

Ơn nghĩa sinh thành – Chúa nhật VI Thường niên B

MỒNG HAI TẾT GIÁP THÌN – KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ
— ƠN NGHĨA SINH THÀNH —

Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn

Câu ca dao từ ngàn xưa nhắc con người phải nhớ về nguồn cội, về cha mẹ tổ tiên để đền đáp ơn nghĩa sinh thành. Người Việt Nam được Thiên Chúa phú bẩm một tính cách rất đặc biệt. Họ luôn gắn bó với quê hương, không chỉ vì nơi đó đong đầy kỷ niệm của tuổi thơ, nhưng còn vì nơi đó có phần mộ của ông bà cha mẹ. Dù đi đâu xa, người Việt cũng để ý đến chăm sóc phần mộ người thân. Khi không thể về được, ít ra cũng nhờ cô dì chú bác ở nhà chăm sóc nơi an nghỉ của thân nhân mình. Phần mộ của gia tiên như một di sản tinh thần, thiêng liêng và bất khả xâm phạm.

Ngày Tết Nguyên đán không phải là lễ tôn giáo, nhưng trong tinh thần “hội nhập văn hóa”, Giáo Hội Công giáo Việt Nam đã ấn định ngày Mồng Hai Tết là ngày kính nhớ Tổ tiên và Ông bà Cha mẹ. Mục đích của ngày này, vừa nhắc nhở người còn sống hãy tưởng nhớ, cầu nguyện và tri ân người đã khuất; vừa mời gọi những ai còn cha mẹ, hãy đền đáp công ơn sinh thành. Ngày nay, do ảnh hưởng của trào lưu xã hội hưởng thụ, nhiều cảnh đau lòng đã xảy ra, làm lu mờ Đạo Hiếu của người Việt. Cầu cho người đã qua đời, đó cũng là sống mầu nhiệm “các thánh cùng thông công” mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính.

Trong truyền thống Việt Nam, cha mẹ cao niên mà vẫn còn sống với con cái là nguồn ơn phúc lộc. Hình ảnh “Tam tứ đại đồng đường – tức là ba bốn thế hệ cùng chung sống trong một mái nhà” là nhờ phúc lộc từ trời và nhờ phúc ấm của tổ tiên. Với lối sống ngày nay, người ta thích sống độc lập để khỏi phiền toái. Đó cũng là điều tốt, vì tránh được những va chạm nhỏ nhen trong cuộc sống hằng ngày trong một cuộc sống ngày càng phát triển. Tuy vậy, dùng sống chung hay sống riêng, bổn phận đền ơn đáp nghĩa vẫn phải được thực hành trọn vẹn.

Yêu mến cha mẹ, đền đáp ơn sinh thành. Đó là điểm gặp gỡ giữa truyền thống văn hóa Việt Nam và giáo huấn của Thánh Kinh. Trong Mười điều răn của luật Giao ước, tức là luật Thiên Chúa quy định cho dân Do Thái qua trung gian ông Môi-sen, điều răn thứ bốn mời gọi thảo kính cha mẹ. Bài đọc trích sách Huấn Ca được đề nghị cho ngày lễ này, có nhiều điểm tương đồng với kho tàng cao dao tục ngữ Việt Nam nói về Đạo Hiếu.

Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ, ghi lòng con ơi!

Và, chúng ta đọc thấy giáo huấn trong Kinh Thánh:

“Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe
Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
ai vâng lệnh ĐỨC CHÚA sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3,3-6).

Như chúng ta thấy, trong Kinh Thánh, lòng hiếu thảo được nâng lên một ý nghĩa mới: đó là điều kiện để được Thiên Chúa thưởng công và ban cho trường thọ. Khi yêu mến cha mẹ, vừa là bổn phận của Đạo Hiếu, vừa là lệnh truyền của Thiên Chúa. Hiểu như thế, chúng ta sẽ phụng dưỡng cha mẹ không phải vì miễn cưỡng hay vì bó buộc, nhưng là vì tình yêu dành cho cha mẹ và cũng là sự tuân phục đối với giáo huấn của Chúa.

Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, cũng đã tuân phục cha mẹ (x. Lc 2,51). Người tuân phục cha mẹ, như tuân phục Chúa Cha trên trời. Người làm mọi sự, dù là hy sinh và khổ hình thập giá, miễn là ý Chúa Cha được nên trọn. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có lòng tôn kính và hiếu thảo đích thực đối với cha mẹ. Không thể nại lý do tôn giáo để tránh né bổn phận này. Trong bài Phúc âm, thánh Mát-thêu ghi lại lời Chúa Giêsu phê phán những người Pha-ri-siêu và kinh sư, vì trong số họ có những người lấy lý do dâng lễ phẩm để biện minh cho thái độ thờ ơ với các bậc sinh thành.

Lòng hiếu thảo với cha mẹ không dừng lại ở những ngày Tết, nhưng phải được trải dài trong suốt cuộc đời. Cha mẹ còn sống, đó là ân phúc và niềm vui. Xin Chúa giúp để chúng ta nhận ra niềm vui ấy trong cuộc sống hằng ngày.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

Bản Tin

Exit mobile version