Mùa thường niên
“Canh tân đời sống đức tin” – Bài giảng Chúa nhật 19 Thường niên C
Bản chất của Đức tin không thay đổi, nhưng cách sống Đức tin nơi người tín hữu thì cần phải được canh tân.
Đức tin là quà tặng Chúa ban cho mỗi chúng ta, vào lúc chúng ta lĩnh nhận Bí tích Thanh Tẩy. Món quà quý giá này, mãi mãi không thay đổi, vì Thiên Chúa là đấng bất biến, vô thuỷ vô chung, thiên thu vạn đại. Vì Đức tin là một quà tặng, nên chúng ta, những người đón nhận, có thể làm mai một hoặc thậm chí đánh mất Đức tin. Nhiều người coi Đức tin như một cổ vật vô cùng quý giá, nên cất giữ cẩn thận trong tủ kính, không liên quan và tác động gì đến cuộc sống đời thường. Có người lại bị ảnh hưởng quan điểm vô thần, coi Đức tin vào Chúa là một điều lỗi thời, cổ hủ và lạc hậu.
Bản chất của Đức tin không thay đổi, nhưng cách sống Đức tin nơi người tín hữu thì cần phải được canh tân. Bởi lẽ, nhiều người nhận mình là tín hữu nhưng không hiểu biết về Chúa và giáo huấn của Người. Vì vậy, Đức tin và cuộc đời nơi họ là hai thực tách cách biệt nhau, thậm chí còn tương phản và mâu thuẫn nhau.
Tin là gì? Nhiều người đặt câu hỏi này. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo nêu rõ: Tin là đem trí khôn và ý chí của mình quy phục Thiên Chúa cách trọn vẹn. Con người đặt trọn bản thân quy phục Thiên Chúa, Đấng mạc khải » (trích số 143). Đối với Kitô hữu, Đức tin không phải là quan điểm mơ hồ, một niềm hy vọng mông lung vào một đối tượng siêu nhiên, có thể hiện hữu đâu đó để giúp họ. Đức tin là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và hoàn toàn phó thác nơi Ngài, Đấng đã ngỏ lời và hành động yêu thương chúng ta trong lịch sử, đặc biệt qua Đức Giêsu, con của Ngài.
Vì Đức tin là một ân ban của Thiên Chúa, nên người nhận cần trân trọng và làm cho phát triển nơi cuộc đời mình. Đức tin cũng giống như một cây trồng, cần chăm sóc và cắt tỉa để lớn lên từng ngày, đồng thời sinh hoa kết trái, tác động đến suy nghĩ và hành động của người tín hữu. Năm 2022 này, Tổng Giáo phận Hà Nội đang chuẩn bị tổ chức Công nghị giáo phận, nhân dịp kỷ niệm 110 năm Công đồng Kẻ Sở (1912-2022). Chủ đề của Công nghị là “Canh tân Đức tin”. Mục đích của Công nghị là giúp người tín hữu suy tư về nội dung Đức tin và nhìn lại cách sống Đức tin của mình trong đời sống cụ thể. Canh tân đời sống Đức tin tức là nhận ra sự cần thiết của Đức tin, cũng như cảm nhận tác động của Đức tin trong cuộc sống. Người tín hữu trước khi làm việc, nói năng, cần nhận định xem việc làm và lời nói của mình có phù hợp với Đức tin Công giáo hay không. Làm như thế, Đức tin sẽ là một động lực giúp chúng ta sống tốt, nhờ đó có thể làm chứng cho Chúa.
Các bài đọc Lời Chúa của Chúa nhật 19 thường niên đều có chủ đề chung là Đức tin. Tác giả sách Khôn ngoàn (Bài đọc I) và tác giả thư gửi giáo dân Híp-ri (Bài đọc II) đều suy tư về quá khứ để nhìn nhận tình thương và quyền năng của Thiên Chúa đối với những ai thành tín cậy trông vào Ngài. Nếu tác giả sách Khôn ngoan suy tư về biến cố vượt Biển Đỏ như một dấu son trong những kỳ công Chúa thực hiện, thì thư Híp-ri lại nêu lên những gương mẫu Đức tin của các Tổ phụ là ông Abraham, Isaac và Giacóp. Đức tin đã giúp các ngài đạt được những điều mà theo lẽ tự nhiên không thể có được, như trường hợp bà Sara đã cao niên mà vẫn sinh con. Đức tin vào Thiên Chúa làm cho những điều nghịch lý trở thành hữu lý, điều không thể trở thành có thể. Nếu đọc tiếp thư Híp-ri, chúng ta sẽ thấy tác giả trích dẫn rất nhiều nhân vật của Cựu ước với mục đích khích lệ các tín hữu noi gương các ngài để can đảm và kiên trì trong thử thách. Như lửa thử vàng, gian nan thử đức, những khó khăn chông gai chính là phép thử lòng trung tín với Chúa của người tín hữu. Những ai tin tưởng cậy trông vào Chúa sẽ tìm được sức mạnh nơi Ngài để vượt lên những khó khăn, biến đau khổ thành niềm vui, vì Chúa luôn che chở và đỡ nâng những ai kêu cầu Ngài.
Nhờ Đức tin, người tín hữu có thể trung thành theo Chúa trong mọi nghịch cảnh. Lời mời gọi theo Chúa trong Tin Mừng Thánh Luca mà chúng ta nghe trong thánh lễ Chúa nhật này xem ra thật khó khăn. Chúa đề nghị người môn đệ sẵn sàng hy sinh mọi sự như tiền bạc của cải vì Chúa để sắm cho mình kho tàng trên trời. Trong lịch sử, đã có nhiều tín hữu đáp trả lời mời gọi này cách quyết liệt, như những vị ẩn tu, những đan sĩ. Họ chấp nhận buông bỏ tất cả để sống một đời sống cô tịch, chìm sâu trong lời cầu nguyện và sự kết hợp trọn vẹn với Chúa. Trong cuộc sống hiện tại của chúng ta, lời mời gọi buông bỏ để theo Chúa vẫn mang tính thời sự. Quả vậy, nhiều khi của cải vật chất là nguyên nhân làm chúng ta xa Chúa và xung đột với anh chị em. Tinh thần buông bỏ chính là đặt ưu tiên cho vị trí của Đức tin trong cuộc đời. Như thế, chúng ta vẫn sở hữu của cải, mà vẫn có tinh thần hy sinh. Nhờ đó, chúng ta được tự do trước những ràng buộc và ảnh hưởng của vật chất. Chúa Giêsu đã chúc phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. Điều này cho thấy, ngay cả lúc dồi dào của cải, người yêu Chúa vẫn có thể sống tinh thần nghèo, khi gắn bó với Chúa và dành cho Ngài một vị trí ưu tiên trong trái tim cũng như trong cuộc đời.
Để cụ thể hoá tinh thần buông bỏ, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về người chủ đi ăn cưới, trao cho người giúp việc coi sóc cơ nghiệp. Người giúp việc trung tín luôn tỉnh thức chờ đợi chủ về. Người giúp việc biếng nhác lại chè chén say sưa. Hậu quả thế nào, chúng ta dễ đoán ra.
Mỗi người trong chúng ta đều là những người quản lý. Tài sản có được đều là do Chúa trao cho chúng ta gìn giữ và sinh lợi. Tài sản đó là sức khoẻ, gia đình, bạn bè, nghề nghiệp, học vấn. Có những người trân trọng giữ gìn và nhờ đó được hưởng hạnh phúc. Cũng có người lười biếng cẩu thả không biết chăm sóc và làm cho số vốn Chúa trao sinh lợi và trở nên bất hạnh.
Chúng ta đều biết, tỉnh thức là luôn nỗ lực cố gắng nên hoàn thiện. Tỉnh thức cũng là sự quan tâm đến anh chị em xung quanh, để tạo mối tương quan hài hoà và nâng đỡ cứu giúp những người bất hạnh. Trái ngược với tỉnh thức là sự mê man trong những đam mê, cố chấp trong những hận thù, mưu mô toan tính trong lối sống. Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy cuộc đời này hết sức mong manh và ngắn ngủi. Con người chỉ sống duy nhất một lần. Hãy cố sống sao cho đẹp, cho có ý nghĩa, để tạo cho mình tâm hồn thanh thản, an vui và hạnh phúc.
Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân Đức tin. Hãy nghiêm túc suy tư về cách thức sống Đức tin trong đời sống hiện tại. Như những người quản lý trung thành cần mẫn, chúng ta hãy làm cho Đức tin nơi cá nhân mỗi người được nở hoa kết trái. Đó chính là lòng nhân hậu, bao dung và vị tha. Nhờ lòng tín thác cậy trông và kiên trì thực thi ý Chúa, chúng ta trở nên những người quản gia trung tín và khôn ngoan. Đó là niềm vui và là lý tưởng của người Kitô hữu.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org