Lịch sử giáo xứ
Lịch sử làng Tráng Liệt
Làng xứ chúng ta được gọi bằng hai danh hiệu: Tráng Liệt Bình và Kẻ Sặt.
Nhận thức rằng, quê hương chúng ta chưa có một gia phả chính thức di lại. Tất cả các nguồn sử liệu thành văn đều hoàn toàn vắng bóng. Nguồn tài liệu truyền khẩu cũng dần dần bị mai một. Những vị cao niên may mắn được hiểu đôi chút về nguyên uỷ của làng tiếp tục theo bước vào đời sau, đem theo tất cả những kiến thức quý giá của mình chôn vùi trong nấm mồ hoang lạnh. Hậu quả đáng tiếc của tình trạng trên là lớp con cháu hiện nay hoàn toàn xa lạ mờ mịt với nguồn gốc chính mình và những công ơn cao cả của tiền nhân để lại. Ý thức được sự kiện đó, đồng thời tâm niệm rằng “uống nước phải nhớ nguồn, được ăn trái chín không thể quên người vất vả cấy trồng” chúng tôi đã cho đăng tập tài liệu này với tất cả sự dè dặt của một người, đang trên đường khai quật gia phả của tổ tiên. Hy vọng rằng việc làm của chúng tôi là một đóm lửa, chờ mong sự thắp sáng của tất cả quý vị nào am hiểu hơn chúng tôi.
I. NGUỒN GỐC VÀ LỊCH SỬ
1. Danh hiệu
Làng xứ chúng ta được gọi bằng hai danh hiệu: Tráng Liệt Bình và Kẻ Sặt. Danh hiệu thứ nhất được sử dụng trong phạm vi hành chánh. Danh hiệu thứ hai được sử dụng trong phạm vi tôn giáo.
2. Ông tổ và cuộc di dân lập nghiệp
Ngược dòng lịch sử và căn cứ vào những nguồn tài liệu truyền khẩu, chúng ta được biết: Quê hương mình bắt đầu hình thành từ hậu bán thế kỷ 16, khoảng năm 1554. Ông tổ người làng Vân Đồn, tỉnh Nam Định, hiệu là Tráng, kết hôn với bà Liệt, quê ở đâu không rõ. Chỉ biết hình như bà đã có công trạng nào đó với Triều Đình nên được nhà Vua ban thưởng 8 mẫu 4 sào ruộng, toạ lạc tại xã Châu Khê, hiện nay gọi là ruộng Quan Điền. Nguồn tài liệu khác lại cho bà là chị ông Chu Tang Xương, một Phụ Tướng của Triều Đình đã bị giặc Cờ Đen hay Cờ Vàng (không biết đích xác) mưu sát và thủ tiêu mất thủ cấp. Để nhớ ơn nhà Liệt Sĩ vị quốc vong thân đó, Triều Đình truyền đúc đầu Phụ Tướng Chu Tang Xương bằng vàng hạp lại với thân thể trước khi mai táng và truy ân cho bà Liệt 8 mẫu 4 sào ruộng.
Hai ông bà chung sống với nhau sinh hạ được 7 người con, 5 trai, 2 gái. Vào thời kỳ giặc giã nhiễu nhương, hai ông bà đưa con cái và đôi ít người thân cận di cư tới một nơi gọi là Laga và lập trại ở đó. Thấy làm ăn phồn thịnh, một số người khác tới xin nhập trại, phần lớn là người tỉnh Nam Định. Sau đó tên của hai ông bà được dùng để đặt cho khu vực tân sinh này. Danh hiệu Tráng Liệt chào đời từ lúc đó.
Dân số mỗi ngày một đông thêm. Tiền nhân chúng ta tiếp tục di dân vào phía trong, hiện nay gọi là Khu Thượng, phân chia địa cư và làm nhà thờ tại khu nhà Phước bây giờ. Danh tính vị linh mục coi sóc thời đó đã bị thất truyền, chỉ biết địa số sở này khi đó còn thuộc Địa phận Đông Đàng ngoài. Về phương diện tổ chức làng xã, tiền nhân chúng ta đã chia thành Họ và lập 5 Giáp là: Tráng, Hưng, Thọ, Phú, Cường. Con số này hiện nay đã lên tới 27 giáp, 22 ngõ.
Sau đó, để tránh nhầm lẫn với làng Tráng Liệt huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, chính quyền đã thêm cho làng ta chữ Bình và Danh hiệu Tráng Liệt Bình được thành hình từ đây.
II. ĐỊA CƯ
1. Vị trí và ranh giới
- Làng xứ chúng ta thuộc Tổng Thị Tranh, huyện Năng An, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Phía Đông giáp làng Châu Khê, Tây giáp làng Phúc Bố, Nam giáp làng Thị Tranh Bắc giáp làng Vĩnh Lại. Chung độ của làng nằm trong phạm vi tỉnh Hải Dương tới tỉnh Hà Nội. Và chung quanh làng có một con đê bao bọc.
2. Diện tích và dân số
- Diện tích khoảng độ 413 mẫu ta kế cả Khê Cừ Đạo Lộ. dân số khoảng 10.000 người. Sĩ số những người phải giữ thẻ tuỳ thân (từ 18 – 59 tuổi) lên tới 1350 tính tới ngày di cư vào Nam.
3. Hệ thống giao thông
a. Thuỷ lộ
- Cạnh làng có một con sông thường gọi là sông Sặt hay sông Búa, vì nó nằm giáp Kẻ Sặt và Phúc Bố, con sông này là một chi nhánh của sông Đuống. Ngư nghiệp không phát triển vì dòng sông ít thuỷ sản. Có lẽ nó chỉ là một con đường thuỷ lộ thông thường, đôi lần mực nước dâng cao gây cảnh lụt lội trầm trọng. Vấn đề dẫn thuỷ nhập điền, ngoài một vài Kênh đào, Khê từ, cha ông chúng ta chưa biết áp dụng những phương pháp tân tiến hiện nay.
b. Đại lộ
- Giữa làng có một con lộ xuất phát từ Quán Gỏi, nằm ngang quốc lộ số 5 qua cầu Sắt, xuyên tâm Khu Thượng, sang cầu Chanh đi tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Đường này đắp từ năm 1928.
c. Cầu cống
- Từ quốc lộ 5 bước vào làng, chúng ta phải băng qua một cây cầu Sắt nằm kế cận làng Thịnh Vạn, nên thường gọi là cầu Thịnh Vạn. Chiếc cầu này dẫn độ Kẻ Sặt, tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội.
d. Hương lộ
- Hệ thống hương lộ chằng chịt chung quanh làng, đa số đều được lót bằng gạch thẻ, nên lưu thông rất sạch sẽ. Trừ trường hợp những ngày mưa dầm, mặt đường bị phủ bởi bùn đất, gây trở ngại cho sự lưu thông phần nào.
III. TẦM QUAN TRỌNG
1. Huyết mạch
Kẻ Sặt được coi như là huyết mạch của các làng chung quanh như: Me Khê, Me Kiều, Me Vàng Trai, Vĩnh Lại, Phúc Bố, Thị Tranh, Châu Khê. Mọi sinh hoạt đều đổ dồn vào Kẻ Sặt như mạch máu lưu chuyển về tim. Tuy nhiên, mặc dù có sự giao tiếp thường xuyên với các làng chung quanh, hạt giống Phúc Âm vẫn không thể gieo vãi tới những anh em lương dân sống kế cận làng xứ chúng ta. Niềm tin của chúng ta vẫn vươn lên, uy hùng và ngạo nghễ. Nhưng đối với anh em ngoại giáo nó vẫn là cái gì xa lạ, nghi kỵ và mang nặng tính chất pháo đài. Có lẽ tình trạng này phát sinh do sự hiểu lầm giữa người Công giáo với anh em lương dân trong những thời kỳ bắt Đạo khủng khiếp dưới thời triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức,… Tuy nhiên lịch sử vẫn là bài học quý giá cho những ai biết rút ra từ đó kinh nghiệm bằng máu lệ của người xưa để tạo cho mình một nếp sống tránh được hụt hẫng mà tiền nhân đã dò dẫm đạp phải.
2. Trung độ buôn bán
Vì địa thế “trên bến dưới thuyền” nên Kẻ Sặt được coi là một trung độ buôn bán rất tấp nập. Bất cứ một thức gì đem đến chợ đều có thể tiêu thụ được hết. Nói thẳng ra là “Thượng vàng hạ cám” thảy đều không ế. Những ngày chợ Phiên, chợ Tết sinh hoạt buôn bán lại càng nhộn nhịp. Các làng chung quanh đem đến những thổ sản riêng của họ và mua về những nhu yếu phẩm cần thiết. Sự trao đổi hỗ tương đó đã tạo cho Kẻ Sặt vai trò quan trọng trong mối liên hệ với các làng chung quanh.
IV. SINH HOẠT
1. Canh nông
Sinh hoạt chính của làng xứ ta là nông nghiệp, nhờ dân cư đông đúc, ruộng đất khả quan, nên nghề trồng tỉa tương đối khá phồn thịnh. Ngoài những nông phẩm như lúa gạo, rau cỏ, thuốc lào cũng được chú ý rất nhiều. Lá thuốc được thái thành sợi rất nhỏ, đem phơi trên những chiếc nong bằng tre; sau đó được hồ bằng nước gạo nếp, gói thành bánh hình chữ nhật, đóng vào thùng và đem tiêu thụ khắp nơi.
Phương pháp canh tác còn nặng tính cách cổ truyền: đắp cừ giữ nước, và dùng gầu sòng để tát nước vào ruộng. Phân bón đa số dùng phân tự nhiên, sau này mới sử dụng phân hoá học nhưng rất giới hạn. Thêm vào đó, ruộng bị cắt xén thành những mảnh nhỏ, có bờ bao bọc, nên cản trở rất nhiều việc cơ giới hoá canh tác mà hậu quả là năng xuất rất yếu kém.
2. Trung tâm thương mại
Ngoài nông nghiệp, người dân Kẻ Sặt rất sành về buôn bán. Mọi hàng hoá đều tập trung vào khu chợ, do cha Tràng Liêm khai sáng và lấy danh nghĩa là chợ của nhà Thương xót. Mục đích của Ngài là dùng một phần lợi tức để giúp những người già yếu bệnh tật. Sau này vì tình trạng phồn thịnh của khu chợ, chính quyền đã lưu tâm và cho đấu thầu. đồng thời chỉ dành để cho nhà Thương xót một số dự chi rất nhỏ. Năm 1935 chính quyền đã cất hai căn nhà bằng sắt cho Trung khu buôn bán này.
Mấy năm trước ngày di cư, vì tình trạng an ninh, dân làng đã tụ tập thành chợ tại chung quanh khu vực được gọi là “Ao Lấp”, đối diện với cuối nhà thờ. Số hàng hoá lưu hành cũng rất khả quan.
Cũng thời này, khu tư hoặc khu phố bắt đầu mở những tiệm tạp hoá lớn, bán đủ mọi thứ đồ, kể cả các thứ rượu quý.
3. Nghề thủ công
a. Kim hoàn
- Chất liệu đa số bằng bạc, còn vàng rất giới hạn. Sản phẩm thường là Sâu Chuỗi, Xà Tích, Khuyên, Xuyến, Vòng Kiềng,…
b. Nghề đan
- Rổ rá, nong, nia, mành mành, một vài nông cụ như gầu sòng, gầu giai,… Và một vài ngư cụ như Lờ, nơm để bắt cá,… Cũng được một số người chuyên nghiệp sản xuất.
4. Nghề thực phẩm
Đặc biệt nhất phải kể đến là nghề làm bánh Đa. Bất cứ người nào biết Kẻ Sặt, đều biết đến loại bánh tráng vừa ngọt vừa thơm của Kẻ Sặt. Người nào đã thưởng thức một lần chắc không bao giờ quên được dư vị của nó.
V. TỔ CHỨC LÀNG XÃ
1. Khu
Kẻ Sặt được chia làm 4 khu: Khu Thượng, Khu Trung, Khu Hạ, và khu phố, khu này còn được gọi là Khu An Quý. Nguyên do thành lập khu tư là vì một số kiều dân các nơi thấy chợ Sặt buôn bán thịnh vượng nên kéo nhau tới cư ngụ làm ăn. Sau đó xin chính quyền địa phương cho sát nhập vào dân làng và xin quy thuận mọi điều khoản của Hương Ước. Dân làng chấp nhận và đặt tên là họ An Quý. Đồng thời thiết lập hai Giáp là An Thành và Liệt Thị. Sau vì quá đông nên lại phân chia thành 4 Giáp là: An Thành, Liệt Thị, An Phú, An Nghĩa.
Năm 1945 Việt Minh lên nắm chính quyền, một số người tới lập nghiệp đã lâu như Bát tràng, định tách rời khu 4 thành khu tự trị, không lệ thuộc Hương Ước của làng nữa. Dân làng lập tức huy động biểu tình và cương quyết bảo vệ lập trường “Đất làng Sặt, phải thuộc người làng Sặt trông coi”. Thấy sự tranh đấu quá mạnh mẽ chính quyền Việt Minh đành phải nhượng bộ và thoả mãn nguyện vọng của dân: tất cả những gì của Sặt hãy trả lại cho người Sặt.
2. Giáp
Giáp là một tập thể gồm nhiều gia đình cùng chung một dòng họ có quyền lợi chung nhất là về phương diện tế tự, tang chế. Tính tới nay, Kẻ Sặt gồm những Giáp sau đây:
Tráng Nguyên; Hưng An; Hưng Nhượng; Lộc Mỹ; Thọ Thuận; Thọ Hình; Thọ Ninh; Thọ Hoà; Thọ Thượng; Phú Tráng; Phú Thứ; Phú Lộc; Phú Giáo; Phú Thọ; Phú Cường; Phú Cường Thượng; Cường Bản; Cường Trung; Cường Hữu; Cường Thái; Cường Đại; Cường Hoà; Cường Thượng; An Thành; Liệt Thị; An Phú; An Nghĩa.
Hoạt động của Giáp nhằm về phương diện hành chánh nhiều hơn. Đồng thời theo điều 284 của Bộ Dân Luật Bắc Kỳ năm 1931, các Giáp được hưởng tư cách Pháp Nhân như các Xã, Thôn.
3. Ngõ hay Xóm
Là một tập thể gồm nhiều gia đình có những liên hệ về lân bang hoặc tế tự. Con số các ngõ Kẻ Sặt được phân phối như sau:
a. Khu Thượng
- Phương Chính; Trung Chính; Quang Chính; Quy Chính; Thuần Chính; Đoan Đông; Đoan Tây.
b. Khu Trung
- Tràng Xuân; Đồng Xuân; Tân Xuân; Lạc Xuân; Thường Xuân; Tiên Đông; Tiên Tây.
c. Khu Hạ
- Ứng Hoà; Ruyệt Hoà; An Hoà; Thanh Hoà; Trung Hoà; Hợp Hoà; Xuân Hoà; Nhân Hoà.
Các Ngõ vừa phụ trách về lễ nghi tôn giáo, vừa phụ trách về an ninh, tuần phòng canh gác. Đồng thời cũng được hửng tư cách pháp nhân như các Giáp.
4. Điếm canh
- Mỗi khu có một điếm canh riêng biệt.
- Điếm Khu Thượng được tu sửa năm 1939.
- Điếm Khu Trung được tu sửa năm 1938.
- Điếm Khu Hạ được tu sửa năm 1937.
Cả ba điếm trước kia chỉ sử dụng vào việc tuần phòng canh gác. Nhưng sau khi tu sửa lại được dành làm nơi tổ chức các đại lễ Công giáo như lễ Sancti chẳng hạn. Vấn đề canh phòng vẫn còn nhưng mất vai trò quan trọng xưa kia của nó.
5. Hội kỳ anh
Bao gồm các vị từ 60 tuổi trở lên, hội chia làm 3 ngành:
- Ngành Hương Trưởng: gồm các vị Chánh Phó Tổng, Tiên thứ Chỉ, Lý phó Trưởng.
- Ngành Hương Mục: gồm các vị Khán Thủ, Xã Đoàn, Vệ Binh, Nhiêu.
- Hương Lão: gồm các vị 60 tuổi trở lên.
6. Hội tư văn
Phụ trách trông coi về lễ nghi, hội bao gồm quý cụ Hương Lão, quý vị Chức Sắc đạo đời. Ngoài ra hội còn thu thập cả quý ông Nhiêu, Vệ, Binh. Hội đề cử một vị Chánh hội để điều khiển và thông báo các cuộc lễ nghi trong dân làng. Quan thầy của hội là Đức Mẹ Rosa.
VI. TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH
Làng Tráng Liệt Bình thuộc Tổng Thị Tranh. Tổng này bao gồm các Xã như: Tráng Liệt, Châu Khê, Tranh Trong, Tranh Ngoài, Me Thử, Me Cầu, Me Khê, Me Bàng Trai. Vị Chánh Tổng thường là người xã Tráng Liệt.
1. Ban quản trị Xã
a. Cơ quan quyết nghị
Thành phần: Hội đồng Kỳ Mục là cơ quan quyết nghị của Xã. Số hội viên không hạn định, thường thường bao gồm các Thân hào, Nhân sĩ trong Xã như những người đã đỗ đạt (Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ) đã hoặc đang làm quan. Hoặc những người tuy không đỗ đạt gì nhưng có phẩm hàm của nhà Vua ban cho hay đã từng giữ chức vụ công.
Nhiệm vụ, quyền hạn: theo nguyên tắc công cuộc quản trị Xã phải tuỳ thuộc Hội đồng Kỳ Mục và chỉ riêng cơ quan này mới có quyền thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan đến Xã. Nhưng thực tế, người có quyền quyết định mọi việc trong Xã lại là ông Tiên chỉ. Tuy nhiên vị này cũng phải hỏi ý kiến các vị Kỳ Mục khác trong Xã, thường là các Kỳ Mục đại diện các dòng họ có thế lực nhất trong Xã.
Nơi nhóm họp của các Hội đồng Kỳ Mục là Đình làng. Đề mục bàn cãi thường là các vấn đề liên quan tới Xã như bổ thuế, tuyển lính, quân nhân khẩu phần công điền.
b. Cơ quan chấp hành
Lý phó Trưởng
Đứng đầu cơ quan chấp hành Xã, được dân Xã bầu lên và được Triều Đình truy nhận kết quả. Sự bầu cử ở đây dĩ nhiên không phải là phổ thông đầu phiếu nhưng chỉ giới hạn vào một số những vị chức dịch đại diện dân.
Nhiệm vụ Lý phó Trưởng
- Rất phức tạp nhưng có thể lược tóm như sau: thu thuế, mộ lính, cung ứng các tạp dịch cho nhà Vua và Triều Đình (như sửa đường, đào kênh, đắp đường,…)
Nhiệm vụ các viên chức phụ tá Lý Trưởng
- Trương tuần do Hội đồng Kỳ Mục chỉ định, phụ trách công việc tuần phòng trong Xã.
- Tuần Đinh phụ tá Trương Tuần. Ngoài ra còn các vị Khán Thủ và Xã Đoàn phụ tá trong công việc điều hành Xã.
2. Hội đồng Hương Chin
Guồng máy hành chánh Xã tại Bắc Kỳ được chính quyền bảo hộ cải tổ vào năm 1921. Hội đồng Kỳ Mục chuyển thành Hội đồng Hương Chính hay Hội đồng Tộc Biểu. Hội đồng có nhiệm vụ quản trị công việc Hàng Xã, do dân bầu ra ba năm một lần và gồm một số nhân viên gọi là Tộc Biểu, do mỗi Giáp cử ra một người.
Các Tộc Biểu sẽ tự lựa chọn lấy một vị chủ tịch gọi là Chánh Hương Hội và một vị phó chủ tịch gọi là Phó Hương Hội. Hai vị này quyền hành như Tiên Thứ Chỉ thời trước.
Theo đạo nghị định năm 1921, Hội Đồng Hương chính là cơ quan quyết nghị trong Xã, còn cơ quan chấp hành gồm Chánh phó Hương Hội và một số công chức phụ tá như Lý phó Trưởng, Thư ký, Thủ quỹ.
Năm 1927 chính quyền bảo hộ lại tái lập Hội đồng Kỳ Mục bên cạnh Hội đồng Hương Chính. Nhiệm kỳ của Hội đồng Hương Chính tăng lên 6 năm. Muốn có chân trong Hội đồng Kỳ Mục phải hội đủ một trong các điều kiện sau:
- Có chân Khoa bảng cũ.
- Có chân Ấn Sinh viên Tử.
- Có chân Khoa mục mới.
- Có phẩm hàm Văn giai hay Võ giai.
- Cựu Chánh phó Tổng.
- Cựu Chánh Phó Hương Hội có 6 năm công vụ.
- Cựu Phó Lý Trưởng từ dịch sau 3 năm công vụ.
- Cơ quan chấp hành Xã vẫn như cũ, nhưng thiết lập thêm hai chức phụ tá: Hộ lại và Chưởng bạ.
Ngày 23-05-1941, một đạo dụ mới quy định lại cách tổ chức của nền hành chánh Xã tại Bắc Kỳ. Cơ quan quyết định là Hội đồng Kỳ Hào, thành phần rất rộng rãi. Cơ quan chấp hành gồm có Lý Phó Trưởng và một số chức dịch có nhiệm vụ riêng biệt như Hộ Lại, Chưởng Bạ, Thư Ký, Thủ Quỹ, Trương Tuần.
Hai cuộc cải tổ năm 1927 và 1941 có lẽ đã bị biến thái phần nào trong việc áp dụng tại làng xứ chúng ta. Bởi vì các nhân viên phụ tá của Chánh Phó Hương Hội trong chế độ Hội đồng Hương Chính trước ngày di cư không thấy có Lý phó Trưởng. Hội đồng Kỳ hào cũng không có mặt, chỉ biết rằng năm 1946 vào thời kỳ tản cư lập tề làng xứ chúng ta có áp dụng Hội đồng Kỳ Mục, nhưng chỉ được có 6 năm rồi lại chuyển sang Hội đồng Hương Chính cho tới ngày di cư vào Nam. Có lẽ trong thời kỳ này làng xứ chúng ta đã được nâng lên hàng Thị Xã nên tổ chức hành chánh có thay đổi ít nhiều.
3. Được nâng lên hàng Thị Xã
Năm 1944 chính quyền thấy Kẻ Sặt là một trung độ buôn bán phồn thịnh, dân cư đông đúc nên nâng Kẻ Sặt lên hàng Thị Xã, phân chia làm 4 khu: Khu Thượng, Khu Trung, Khu Hạ, Khu An Quý. Mỗi khu có một vị Hộ Phố trông coi, còn Chánh Phó Trưởng phố điều khiển tổng quát 4 khu.
VII. PHƯƠNG DIỆN TÔN GIÁO
1. Hạt giống Phúc Âm nảy nở và bành trướng
Năm 1627, một Cha Thừa Sai Dòng Tên, không rõ thuộc quốc tịch nào, chỉ biết Ngài được một số giáo hữu gọi là Cha Năng. Chính Ngài đã mang hạt giống Phúc Âm tới gieo vãi tại làng Tráng Liệt. Đồng thời nhờ tác động mạnh mẽ của Chúa Thánh Linh, toàn dân hớn hở đón nhận Tin mừng cứu độ và xin chịu phép Thánh Tấy để tái sinh thành công dân nước trời.
Gặp được thửa ruộng màu mỡ, hạt giống Phúc Âm tiếp tục nảy nở và bành trướng. Trong cuộc di dân vào phía trong tức Khu Thượng hiện nay, Cha ông chúng ta đã xây dựng một Thánh đường tại khu nhà Phước bây giờ. Vị linh mục chịu trách nhiệm trong việc kiến thiết ngôi Nguyện đường này không rõ là ai.
Số dân mỗi ngày một tăng thêm, ngôi Thánh đường này không còn dung nạp đủ, hơn nữa nó thiếu địa thế trung tâm, nhất là lại bị trận bão ngày 3 tháng 8 Âm lịch (không rõ năm nào) làm hư hại, nên Cha Chính Bắc quyết định di nhà thờ về trung tâm làng. Năm 1872, một Thánh đường đúc bằng sắt được dựng lên, và ngôi Thánh đường cũ biến thành nhà Phước.
Năm 1883, Đức Cha Hiến khởi công xây Đại Chủng Viện (Trường lý Đoán) tại Kẻ Sặt. Còn Tiểu Chủng Viện và Trường Thày giảng không rõ được kiến thiết năm nào. Tất cả những sự kiện nâu trên đã mang lại cho Kẻ Sặt một danh dự người con đầu lòng của địa phận, một xứ họ toàn tong Công giáo và thấm nhiễm sâu đậm niềm tin vào một Thiên Chúa. Nhất nữa lại được các Bề trên lựa chọn làm nơi ươm trồng những mầm non Ơn Thiên Triệu và thao luyện những thợ gặt lành nghề cho cánh đồng truyền giáo đang vàng ối những bông lúa nặng hạt.
Năm 1885, Kẻ Sặt lại được thêm một danh dự nữa là được hàng Giáo phẩm chọn làm nơi Hôi Công Đồng Bắc Việt, mệnh danh là Công Đồng Kẻ Sặt. Và cũng kể từ đây danh hiệu Kẻ Sặt bắt đầu được phổ biến rộng rãi.
Năm 1902, Thánh đường được kiến thiết thêm hai ngọn tháp con và năm 1914 ngọn tháp giữa cũng được xây lên. Cả ba ngọn tháp vươn cao trên vòm trời như niềm tin của người Kẻ Sặt loé lên giữa một vùng tối âm u nặng mùi thần giáo. Vẻ uy hung lộng lẫy của nó như một bảo chứng kiên vững cho lòng mến của người Kẻ Sặt đối với Thiên Chúa không gì lay chuyển được. Đồng thời mãi mãi nó sẽ là một ngôn từ tuy âm thầm nhưng đầy mãnh lực cảm hoá lòng người để anh em lương dân nhờ đó biết tin vào một quyền năng siêu nhiên hằng ôm ấp và bảo trì vũ trụ.
Năm 1927, Thánh đường lại được tu sửa một lần nữa với kích thước rộng rãi hơn để có thể dung nạp được số tín hữu mỗi ngày một tăng tiến thêm. Công việc tu sửa này do Cha Chính Y và Cha Tuyển lãnh trách nhiệm. Chu vi ngôi Thánh đường và Nhà xứ phỏng độ 4 mẫu 5 sào ta.
Tới năm 1942 khu nhà Phước cũng được chỉnh trang lại. Bà Huệ giữ chức vụ Bà nhất và Bà Khiêm – Bà nhì đều là người xuất thân tại Kẻ Sặt.
2. Hoạt động bác ái
Nhằm thể hiện Đức Bác Ái Công giáo, Cha Tràng Liêm đã thành lập nhà Thương Xót hay nhà Tế Bần với mục đích giúp đỡ những người nghèo đói, tật bệnh, già nua,… Đồng thời để có ngân khoản cho Cơ sở xã hội này, Ngài đã thiết lập khu chợ gọi là “Chợ của nhà Thương Xót” và lấy một chút huê lợi để xoa dịu khổ đau của những người anh em bất hạnh trong dân xứ. Nghĩa cử đầy cảm kích của tiền nhân này hi vọng sẽ không phải chỉ là một sự kiện lịch sử cô đọng cứng nhắc, nhưng là một bài học, một hành vi còn sống mãi trong tâm hồn những người dân Kẻ Sặt.
3. Cỏ lồng vực
Thái độ hận thù chia rẽ có thể được coi như bản tính thứ hai của con người, sau này nguyên tổ Adam và Eva của chúng ta ngang nhiên vi phạm giới lệnh của Thiên Chúa, và tách biệt khỏi vòng tay từ ái của Ngài. Sự nghi kỵ không những đã gặm nhấm tâm can con người, nó còn đi sâu vào tận lòng Giáo hội hầu mong làm sụp đổ ngôi nhà thiêng liêng mà Chúa Kitô đã lấy chính máu mình để xây đắp tài bồi.
Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi thấy làng xứ chúng ta đã trải qua một thời kỳ phân rẽ cực kỳ trầm trọng. Cuộc khủng hoảng về tinh thần đoàn kết này không hiểu đã xảy ra năm nào, kéo dài bao lâu, vì chúng ta không có một nguồn tài liệu nào nói rõ. Tuy nhiên sự hiện hữu của nó được xác nhận bằng sự truyền khẩu.
4. Gương tử đạo
Dưới triều Vua Tự Đức, năm Canh Thân Thập Nhì, cuộc cấm Đạo đã tới hồi cực kỳ khủng khiếp, tất cả mọi người Công giáo đều bị lung bắt ráo riết, các làng Công giáo bị phân sáp vào các làng bên lương. Mọi tài sản của người Công giáo đều bị trưng dụng tịch thu hết thảy. Sống trong hoả lò sôi sục sự căm hờn của Satan này, làng xứ chúng ta cũng đã cống hiến cho Thiên Chúa 26 Đấng Tử đạo. Máu của các vị đó đổ ra hợp thành máu đào của hơn 100 ngàn các Đấng Tử đạo khác thấm ướt quê hương này và làm cho hạt giống Đức tin được triển nở huy hoàng như chúng ta đang thấy ngày nay. Nơi xử 26 vị Tử đạo Kẻ Sặt là khu 5 mẫu Hải Dương. Hiện nay một ngôi Thánh đường nguy nga đã mọc lên để hàng năm giáo hữu qua lại hành hương và tưởng niệm gương anh hùng cao cả của các Ngài.
5. Nghĩa cử cho người đã khuất
Trước kia mỗi gia đình thường có một khu ruộng mệnh danh là ruộng Táng Mả, để chon cất cha mẹ và những người thân trong đó. Tới năm 1948, Cha xứ Thi tổ chức một khu Nghĩa địa tập trung tại cánh đồng Mả Trẩy, làm nơi an nghỉ cho mọi người quá cố trong dân họ. Sau đó mấy năm vì tình hình chiến tranh, các khu ruộng Táng Mả đều bị nằm trong hàng rào phòng thủ của quân đội Viễn Chinh Pháp, nên dân làng tổ chức một cuộc bốc mả tất cả các ngôi mộ rải rác khắp nơi và đem mai táng lần thứ hai tại nghĩa trang mới. Cũng thời kỳ này một hội đồng quản trị nghĩa trang được thành lập để lo việc chôn cất thêm phần mỹ quan đẹp mắt.
6. Tu sửa Thánh đường lần chót
Vì cuộc tấn công của Việt Minh vào năm 1946, Nhà xứ và một số nhà cửa của dân làng bị đốt cháy. Sau đó quân đội Pháp tới giải vây và đặt doanh trại tại Kẻ Sặt. Họ dùng nơi đây làm địa điểm xuất phát các cuộc hành quân truy lung lực lượng Việt Minh lúc đó. Trong những cuộc đụng độ trên đây, ngọng vó của cây Tháp giữa đã bị một trái đại bác oan nghiệt đánh gãy. Sau đó trận bão ngày 13 tháng 8 Âm lịch (1950) hất luôn cả chiếc “Đôm” xuống sân nhà thờ. Sự kiện đó đòi buộc phải tu sửa, nên năm 1952 Cha xứ Thức cho tái thiết ngọn tháp, đồng thời đặt tượng Chúa Giêsu Vua tại ban công. Ngày khánh thành cũng là ngày Đức Giám Mục Việt Nam tiên khởi địa phận Hải Phòng trương Cao Đại về dự lễ và ban phép Thêm Sức cho một số trẻ em trong xứ.
7. Quy chế họ đạo
Đứng đầu trong xứ là một vị Chánh Trương Xứ, không những có trách nhiệm trông coi các việc trực thuộc xứ mà còn các việc của các họ nhánh của Kẻ Sặt như An Quý, Thuỷ Cơ, Phúc Cầu, Bối Tượng. Vị Chánh Trương xứ này thường là người Kẻ Sặt.
Chúa Giêsu Vua được chọn làm quan thầy cho Xứ.
Dân xứ chia làm 4 khu: Thượng, Trung, Hạ, và An Quý. Mỗi khu tự chọn lấy người điều hành gồm quý vị Chánh Phó Trùm Tộc, Thủ Bạ, hai ông Trương, hai bà Trương, ông trùm Săng Ty. Mỗi ngõ lại cử một vị trưởng họ, một vị thủ dịch để phụ tá ông Trùm Bạ, và hai bà Mụ để giúp việc kinh tài cho khu.
VIII. PHƯƠNG DIỆN VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT
Về phương diện văn hoá
Kẻ Sặt có một tư thục Trung Tiểu học Văn Côi, sĩ số học sinh không những bao gồm các con em trong làng mà còn cả những con em các làng chung quanh nữa. Trung học chỉ có tới lớp Đệ Lục, còn trên nữa, các phụ huynh thường gửi con em ra Hà Nội tong học. Nhờ có trường sở thuận tiện này, số người thất học càng ngày càng ở mức tối thiểu.
Về phương diện nghệ thuật
Kẻ Sặt cũng có một rạp chiếu bóng mang tên là “Ánh sáng” để mua vui cho dân làng. Tuy nhiên vì tình hình an ninh không bảo đảm nên số người thưởng thức hầu hết là quân đội Viễn Chinh Pháp. Còn dân xứ hưởng ứng rất thưa thớt. Đôi khi có một vài đoạn kịch hoặc gánh xiếc ghé qua Sặt trình diễn một vài ngày. Số khan giả tương đối cũng ở mức khá.
IX. PHONG TỤC VÀ TẬP QUÁN
Trong làng có một ngôi Đình toạ lạc tại trung tâm giáp Khu Thượng và Khu Trung. Ngôi Đình này rất khang trang dùng làm nơi hội họp và thi hành các việc công trong Xã.
Cạnh ngôi Đình có một khu chợ gọi là chợ Đình.
Hàng năm cứ ngày 25 tháng 12 Âm lịch là Hạp Triện. Ngày 10 tháng giêng Âm lịch là ngày Khai Triện. Vào ngày này làng sẽ mở cửa Đình để:
- Nhận khai Tân Đinh: tức là nhận những thanh niên đúng 18 tuổi nhập sổ Đinh trong làng.
- Trình Lão Hạng: nghĩa là nhận các vị từ 55 tuổi trở lên sắp sửa nhập hội Kỳ Anh (60 tuổi mới được nhập sổ hội Kỳ Anh).
- Tháo Khoán: tức là nhận các đơn xin nhập bạ làng để vào các Giáp, nhưng phải có người bảo lãnh. Trong những ngày này Lý phó Trưởng được quyền định đoạt.
Làng có 27 Giáp và 22 Ngõ. Các Giáp sẽ tính sổ quán niên vào trung tuần tháng 11 Âm lịch. Ngày này có Mãi Biện, nghĩa là thâu nhận các thanh niên 18 tuổi nhập sổ Giáp. Các Ngõ tính sổ quán niên vào hạ tuần tháng 11 Âm lịch, cũng có Mãi Biện. Giáp và Ngõ tính sổ theo thứ tự, mỗi năm một người.
Các Giáp còn có phận sự về tang lễ, giúp đỡ nhau khi sống và chôn cất nhau khi bước vào đời sau. Sự khiếm khuyết nhiệm vụ này được coi như một hành vi đáng lên án. Hiện nay các Giáp vẫn thi hành về tang lễ còn Mãi Biện thì bãi bỏ hẳn. Riêng các Ngõ chỉ phụ trách về Tôn giáo. Hiện nay các Ngõ đã giải tán hầu hết.
Vấn đề cưới xin sẽ tuỳ theo hoàn cảnh, sự cheo cưới được quy định làm 3 hạng:
- Gái Giáp lấy chồng nội Giáp.
- Gái Giáp lấy chồng ngoại Giáp.
- Gái Giáp lấy chồng ngoại Hương.
- Hiện nay vấn đề cheo cưới đã được tỉnh giảm rất nhiều.
- Vấn đề khao vọng cũng có nhưng rất ít.