Phòng truyền thống
Chiếc chìa khóa Nhà Chầu
Từ nay, chiếc chìa khóa sẽ mãi mãi được lưu giữ và trưng bày trong Phòng truyền thống của giáo xứ, để mọi người được ngắm nhìn…
Bẵng đi một khoảng thời gian dài, nhà chầu có lẽ đã được thay mới, các sinh hoạt tôn giáo dần trở lại bình thường, không ai biết đến câu chuyện này nữa. Vị sĩ quan kia cứ thế già đi. Cho đến một ngày nọ, ông có linh cảm rằng mình sắp trở về cát bụi. Không muốn chiếc chìa khóa nhỏ năm xưa rơi vào quên lãng mãi mãi, ông lục lọi lại trong những kí ức rời rạc của mình về vị trí của ngôi nhà thờ ấy, nằm đâu đó trên quãng đường từ Hải Phòng đến Hà Nội.
Thời gian là kẻ thù lớn nhất của con người. Nó tàn nhẫn xóa đi bao kí ức, tình cảm. Nó hủy hoại những kỉ vật mang dấu ấn của lịch sử. Nó đẩy lui những thế hệ cũ vào dĩ vãng.
Nhưng thời gian qua đi cũng là một cơ hội để chữa lành, hàn gắn những vết thương tang tóc, để rồi qua bao năm tháng xa cách, những người “muôn năm cũ” được trở về, tưới mát lại tâm hồn cằn cỗi, phục hồi niềm tự hào vốn ẩn giấu sâu trong tâm khảm của họ.
“Từ Sion khi được Chúa dẫn về,
ta ngỡ ngàng tựa trong giấc mơ.
Tiếng cười rộn rã đôi môi,
lời hoan ca vang rền cửa miệng…” (Tv. 125)
Biến cố di cư năm 1954 là một trang sử bi thương mà mỗi khi nhắc lại, ai nấy đều không khỏi ngậm ngùi. Gia đình ly tán, làng xóm tan hoang. Kẻ rời đi, người ở lại. Trẻ thơ ngơ ngác, cụ già đau đớn. Tưởng rằng “đi Nam” chỉ vài năm rồi trở lại. Có ngờ đâu mãi mãi lìa xa hai miền đất nước. Giữa lúc loạn lạc hoang mang tột độ ấy, chẳng ai chú ý đến ngôi Thánh đường Kẻ Sặt vẫn đứng đó, với cửa nhà chầu mở toang. Chỉ còn một viên sĩ quan người Pháp nhìn thấy cảnh tượng này. Ông bèn tiến lên gian cung thánh, nhẹ nhàng đóng cửa nhà chầu, rồi khóa cẩn thận lại và giữ chiếc chìa khóa nhỏ bên mình, mang về cố hương của ông. Không rõ lúc ấy ông đã suy nghĩ những gì, nhưng chắc chắn việc làm của ông thể hiện phần nào sự tôn trọng với nơi linh thiêng nhất của một ngôi thánh đường. Và vì là lính Pháp nên ông chẳng thể nào ở lại miền Bắc Việt Nam lâu thêm được, ông chẳng biết trao lại chiếc chìa khóa ấy cho ai cả.
Bẵng đi một khoảng thời gian dài, nhà chầu có lẽ đã được thay mới, các sinh hoạt tôn giáo dần trở lại bình thường, không ai biết đến câu chuyện này nữa. Vị sĩ quan kia cứ thế già đi. Cho đến một ngày nọ, ông có linh cảm rằng mình sắp trở về cát bụi. Không muốn chiếc chìa khóa nhỏ năm xưa rơi vào quên lãng mãi mãi, ông lục lọi lại trong những kí ức rời rạc của mình về vị trí của ngôi nhà thờ ấy, nằm đâu đó trên quãng đường từ Hải Phòng đến Hà Nội. Ông ghi lại vào một mảnh giấy, tường thuật lại lai lịch của chiếc chìa khóa và trao cho con cái, dặn dò rằng sau này nếu có cơ hội, hãy tìm về giáo xứ ở Việt Nam đó và trả lại kỉ vật nơi nó vốn dĩ thuộc về. Một năm sau, ông qua đời!
Bằng một cách nào đó, con của ông đã tìm và liên lạc được với Tổng Giám mục Hà Nội – người cũng đồng thời là một giáo dân sinh ra và lớn lên tại giáo xứ Kẻ Sặt. Sau khi trao đổi và tìm hiểu, chiếc chìa khóa được bàn giao lại kèm theo mảnh giấy với bút tích của vị cựu sĩ quan đã khuất bóng. Nhưng cho đến thời điểm đó, câu chuyện này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.
Tấm màn bí mật cuối cùng đã được vén lên, trong Thánh lễ Cầu cho tổ tiên vào chiều ngày 18/10/2022. Khi quả chuông đồng hồ và hai cuốn Sổ Rửa tội được cha xứ Kẻ Sặt (giáo phận Xuân Lộc) trao trả lại cho giáo xứ Kẻ Sặt (giáo phận Hải Phòng) quê hương, thì từ ghế chủ tọa trên cung thánh, vị chủ chăn của Tổng Giáo phận Hà Nội cũng lấy ra từ trong túi áo một phong bì trắng. Tất cả giáo dân hai miền cùng hướng về chiếc phong bì với ánh mắt chăm chú, lắng nghe người con ưu tú nhất của quê hương kể lại câu chuyện của 68 năm trước với cung giọng trầm ấm và pha chút ngập ngừng vì quá xúc động. Khi chiếc chìa khóa trong phong bì được giơ lên và trao vào tay cha xứ, mọi người đều nghẹn ngào và bồi hồi, tưởng tượng khung cảnh chia ly năm xưa, và vui mừng vì “vật hồi cố chủ”. Dù giá trị vật chất của chiếc chìa khóa nhỏ và cũ ấy chẳng đáng là bao, nhưng chắc chắn nó là một chứng tích của lịch sử, mang đến một thông điệp cho người hiện tại, nhân kỉ niệm 100 năm hoàn thành đại công trình thánh đường giáo xứ Kẻ Sặt (1922 – 2022).
Từ nay, chiếc chìa khóa sẽ mãi mãi được lưu giữ và trưng bày trong Phòng truyền thống của giáo xứ, để mọi người được ngắm nhìn và được lắng nghe những lời thì thầm của một quá khứ bi tráng và một hiện tại đầy hy vọng.
Giuse Bùi Xuân Trường – Giáo xứ Kẻ Sặt