Mùa thường niên
Ăn ở công chính – Suy niệm Chúa nhật VI Thường niên A
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Chúa Giêsu đến trần gian để tiếp nối giáo huấn của Cựu ước. Dân chúng nghe Người giảng thì ngạc nhiên và nhận định đây là một giáo lý mới. Nói đúng hơn, Chúa Giêsu muốn chấn chỉnh để những giáo huấn của Cựu ước được hiểu đúng và được tôn trọng. “Thầy đến không phải là để bãi bỏ (Luật Môisen và các ngôn sứ), mà để kiện toàn”. Chúa Giêsu đã khẳng định như thế.
Khi Chúa Giêsu yêu cầu những ai muốn theo Người phải ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu, điều đó có nghĩa là có hai thứ công chính, hoặc hai cách hiểu khác nhau về khái niệm công chính. Một là công chính theo cách hiểu của các kinh sư và của người Pharisiêu; hai là công chính mà Chúa Giêsu đề nghị cho các môn đệ và cho những ai sẽ tin vào người.
Thế nào là “công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu?”. Chính Chúa Giêsu giải thích sự khác biệt này. “Anh em đã nghe Luật dạy rằng…còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”. Luật mà Chúa Giêsu nói tới, tức là Luật Chúa ban cho người Do Thái qua ông Môisen. Luật này được truyền cho các thế hệ nối tiếp nhau. Vào thời Chúa Giêsu, cũng như nhiều giai đoạn khác của lịch sử Do Thái, Luật này đã bị lạm dụng theo cách cắt nghĩa của các kinh sư và của người Pharisiêu. Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần dùng công thức này, để người nghe thấy rõ sự công chính mà Người đề nghị. Và, khi thực thi những gì Người dạy, thì sự công chính của các môn đệ sẽ trổi vượt hơn sự công chính của các kinh sư và người Pharisiêu. Hơn và kém ở đây không thể hiện mức độ gây âm vang sôi nổi, nhưng ở chất lượng và tinh thần của người thực thi đức công chính.
Như vậy, theo giáo huấn của Chúa, không chỉ giết người mới là tội, mà những ai nguyền rủa anh em mình đã là tội rồi; không phải những người ngoại tình mới là tội, mà chỉ nhìn người phụ nữ với lòng ước muốn thì đã là tội rồi; không phải bỏ vợ mới là tội, nhưng tạo cớ cho người vợ phạm tội thì đã là tội rồi. Người cũng khuyên chúng ta đừng thề thốt chi cả, nhưng cứ sống trung thực “có thì nói có, mà không thì nói không”, đó là sự công chính. Đức Giêsu chứng tỏ Người là Đấng canh tân Lề Luật. Như trên đây đã nói, đúng hơn là Người muốn trả lại cho Lề Luật ý nghĩa nguyên thuỷ của nó.
Công chính là gì: trong Kinh Thánh, chữ “công chính” được dùng nhiều lần. Theo nghĩa thông thường, “công chính” đôi khi đồng nghĩa với “công bằng”. Tuy vậy, “công bằng” thường chỉ có nghĩa là sòng phẳng về tình cảm, danh dự hoặc vật chất; trong khi đó công chính còn mang ý nghĩa chính nghĩa, công nghĩa, chính trực, thánh thiện. Trong Kinh Thánh, ông Abraham và thánh Giuse được gọi là “người công chính”. Như vậy, “công chính” còn có nghĩa là tin và tín thác cậy trông nơi Chúa, luôn vâng phục Chúa và trung thành với giáo huấn của Ngài.
Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta thấy “công chính” cũng đồng nghĩa với “hoàn thiện”. Tác giả sách Huấn Ca giải thích cho chúng ta thế nào là hoàn thiện: đó là người khôn ngoan chọn lựa Thiên Chúa như lý tưởng cùng đích của cuộc đời. Bởi lẽ có Chúa là có tất cả. Việc chọn lựa Chúa phải đi đôi với những cố gắng nỗ lực thực thi giáo huấn Ngài truyền dạy. Cùng chung một ý tưởng ấy, tác giả Thánh vịnh (Đáp ca) ca tụng hạnh phúc của những ai cố gắng sống đời hoàn thiện. Họ sẽ được gặp Chúa và được Ngài soi sáng cho đường đi nước bước, nhờ đó mà những hành động của họ sẽ đem lại những hoa trái tốt lành cho bản thân và cho xã hội.
Theo thánh Phaolô (Bài đọc II), ăn ở công chính còn là sự thận trọng để không rơi vào cạm bẫy thế gian. Bởi lẽ sự khôn ngoan theo kiểu thế gian chắc chắn sẽ dẫn tới chỗ diệt vong. Sự khôn ngoan của người tín hữu là chính Chúa Giêsu. Người là trường dạy chúng ta về sự khiêm nhường, về đức yêu thương cũng như những đức tính tốt lành khác để giúp chúng ta nên hoàn thiện. Thánh Luca thuật lại, khi chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu, viên đại đội trưởng quân đội Rôma đã cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính” (Lc 23,47). Như thế, suy cho cùng, ăn ở công chính, chính là noi gương Đức Giêsu, Chúa chúng ta.
+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org