Mùa phục sinh
Chết vì đàn chiên – Suy niệm Chúa nhật IV Phục Sinh A
Chúa Giêsu đã chết vì đàn chiên, như người mục tử nhân lành, yêu thương những con chiên của mình.
Sau khi đã tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giê-su, Phụng vụ Chúa nhật này suy tư về ý nghĩa thể hiện qua cái chết của Người. Chúa Giê-su đã chết vì đàn chiên, như người mục tử nhân lành, yêu thương những con chiên của mình.
Chúa nhật thứ bốn của mùa Phục sinh được gọi là “Chúa nhật Chúa Chiên lành”. Cả ba năm của chu kỳ Phụng vụ đều chọn bài Tin Mừng theo thánh Gio-an, lần lượt triển khai bài giảng của Chúa Giê-su về người mục tử, được thuật lại trong chương 10. Thực ra, đây là cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su và những người biệt phái Do Thái. Người ta thường nói: mọi so sánh đều khập khiễng. Quả vậy, nếu chúng ta so sánh giữa hình ảnh người mục tử với đàn chiên và Chúa Giê-su với các tín hữu, chúng ta sẽ thấy rõ sự khập khiễng ấy. Bởi lẽ khi Đức Giê-su tuyên bố Người là mục tử, thì những người tin theo Chúa không cách biệt Người, như người chăn chiên với đàn vật.
Hình ảnh mục tử và đàn chiên mà Chúa Giê-su dùng không phải là một ý tưởng mới mẻ. Trong Cựu ước, các ngôn sứ, nhất là ngôn sứ Ê-dê-ki-en và ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã dùng hình ảnh này để diễn tả sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa đối với Dân Ngài. Ngài như một mục tử dẫn dắt đàn chiên, chăm lo cho từng con chiên. Chúa Giê-su cũng lấy lại giáo huấn của Cựu ước. Điều mới mẻ ở đây, là người mục tử sẵn sàng hy sinh mạng sống và chấp nhận chết vì đàn chiên (x. Ga 10,15). Chúa Giê-su cũng khẳng định, Người đến từ Chúa Cha. Chúa Cha biết rõ Người và Người cũng biết rõ Chúa Cha. Như thế, nếu hình ảnh người mục tử trong Cựu ước biểu thị mối quan tâm của Thiên Chúa, thì nay, hình ảnh ấy đã trở nên hiện thực nơi chính Con của Ngài, Đấng đã làm người để đồng hành với con người. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en cũng nói đến những mục tử là những trung gian Thiên Chúa đặt lên để chăm sóc Israel. Trong số đó, có những mục tử giả và có những mục tử thật. Có những mục tử chỉ nhằm bóc lột đàn chiên mà không quan tâm đến số phận của những con chiên đi lạc hoặc đau ốm. Chúa Giê-su là Mục tử đích thật và là Mục tử nhân lành. Người đã trực tiếp đến trần gian để dẫn dắt nhân loại. Nếu các giám mục, linh mục được gọi là “mục tử”, thì chỉ là những cộng sự viên và là những cánh tay nối dài của Chúa, làm việc theo lệnh truyền của Người. Các ngài cũng phải luôn là phản ánh của vị Mục tử qua cuộc đời mình. Chính vị Mục tử Giê-su, Đấng đã chết và đã Phục sinh, đang hiện diện giữa chúng ta, để dẫn dắt, giáo huấn và chỉ dạy chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.
Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, các tông đồ và các tín hữu đã ý thức sự hiện diện của Đấng Phục sinh giữa cộng đoàn những người tin. Trong bài giảng ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phê-rô đã can đảm minh chứng với khách hành hương: Đức Giê-su đã chết trên thập giá và đã sống lại. Chắc chắn lời giảng của Phê-rô phải đầy nhiệt huyết và hùng hồn, nên đàn chiên hôm ấy đã tăng thêm được ba ngàn người. Những người gia nhập cộng đoàn tín hữu đều tin rằng họ gia nhập đàn chiên có Chúa Giê-su là Mục tử. Người đã chấp nhận chết trên thập giá, như người mục tử đã chấp nhận cái chết để đem lại sự an toàn và hạnh phúc cho đàn chiên của mình.
Người mục tử đích thực thì yêu mến đàn chiên và hiểu từng con chiên. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng Cứu độ, Chúa Giê-su đã chứng minh Người là mục tử giàu lòng thương xót. Chính Người là vị Mục tử sẵn sàng để lại chín mươi chín con chiên để vào rừng tìm cho bằng được một con chiên bị lạc.
Hình ảnh người Mục tử hy sinh vì đàn chiên giới thiệu với chúng ta về tình thương vô bờ của Thiên Chúa, thể hiện qua Đức Giê-su Ki-tô. Hình ảnh ấy cũng giúp chúng ta tìm thấy nghị lực bước đi trong cuộc đời đầy thăng trầm tăm tối. Thánh Phao-lô đã quả quyết với chúng ta: Đức Giê-su khổ nạn là nguồn hy vọng cho chúng ta. Nhờ sự nâng đỡ của Đấng chịu đóng đinh, chúng ta có thể vượt lên mọi khó khăn thử thách. Theo thánh Phao-lô, khi phạm tội, người tín hữu giống như con chiên lạc; khi sám hối và trở về với Đức Giê-su, chúng ta hoà nhập với đàn chiên để đi theo vị Mục tử của mình (Bài đọc II).
Chúa nhật Chúa Chiên Lành cũng là ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi. Chúng ta hãy xin Chúa soi sáng và thúc đẩy nhiều bạn trẻ dấn thân đáp lại lời mời gọi của Người để trở nên tông đồ trong lý tưởng làm linh mục và tu sĩ.
“Chúa là Mục tử chăn dắt tôi….” Lời Thánh vịnh rất quen thuộc thường được hát lên trong Phụng vụ, diễn tả tình thương và sự ân cần của Thiên Chúa đối với những ai tin tưởng cậy trong nơi Ngài. Xin cho mỗi chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Chúa, nhờ đó chúng ta tìm được hạnh phúc và bình an, như con chiên luôn được êm ấm giữa đàn chiên của mình. Amen.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org