Mùa thường niên
Kẻ thù lớn nhất – Chúa nhật XXV Thường niên
Đối diện với sự dữ, người tin vào Chúa luôn không hoảng loạn và nhất là không lấy ác báo ác.
Khi nhận định về đời người, một tác giả đã viết: “Thông thường, chúng ta dành nửa đầu cuộc đời để đấu tranh để vượt qua người khác, và nửa đời còn lại để đấu tranh vượt qua chính bản thân mình”. Xem ra nhận định này khá chính xác đối với đa số chúng ta. Ở một tuổi nào đó, chúng ta không còn tham vọng chiến đấu để chạy đua với người khác, mà đối diện với chính bản thân. Khi nhận định một cách công tâm và trung thực, chúng ta nhận ra, đối thủ lớn nhất chính là bản thân mình. Đối thủ ấy luôn thường trực trong chính chúng ta. Đó là sự cố chấp, ích kỷ, bao biện, hiếu thắng và đam mê. Những nết xấu này, nếu không được kiểm soát, sẽ gây nhiều hậu quả tai hại, phá vỡ mối tương quan với người khác. Một chiến sĩ trẻ sẵn sàng xông pha nơi chiến trường, gắn bó yêu thương như ruột thịt với đồng đội; khi lớn tuổi về hưu, cũng con người ấy lại không vượt qua được những tranh chấp và quyền lợi nhỏ nhoi, để rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn. Kẻ thù lớn nhất, chính là bản thân chúng ta. Kitô hữu được mời gọi hãy nhận ra điều ấy, để biết mình, biết người, hầu uốn nắn cuộc đời mình nên giống Đức Giêsu. Người đến trần gian để hiến mạng sống phục vụ con người. Trên thập giá, Người đã trở nên người nghèo nhất trong số những người nghèo ở thế gian.
Sự ghen tương ích kỷ là nguyên nhân của những xung đột, bạo lực, chia rẽ và cãi vã. Thánh Giacôbê đã lập luận một cách dễ hiểu. Ngài cho biết, để có một cuộc sống tương thân tương ái, trước hết phải làm chủ cái tôi trong chính con người của mình (Bài đọc II). Vị tông đồ cũng viết trong phần kế tiếp: “Anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật, thì anh không còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đoán Lề Luật. Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?” (Gc 4,11-12). Quả thật, ngày nay người ta thích đưa ra kết luận như sau: “mọi tội lỗi đều từ bởi miệng mà ra; mọi bệnh tật lại từ miệng mà vào”.
Thanh luyện tâm hồn để sống khiêm tốn và sống vì người khác, đó là thông điệp chính mà Lời Chúa muốn nhắn nhủ với chúng ta trong Chúa nhật này. Thánh Mác-cô làm chúng ta ngỡ ngàng, khi thuật lại cuộc cãi vã tranh giành của các môn đệ, và cuộc cãi vã này xảy ra ngay khi Chúa vừa nói với các ông về cuộc khổ nạn của Người. Sự việc đã bị Chúa Giêsu bắt “quả tang” và nhân dịp này Người đã cho các ông một bài giáo huấn, trong đó Người nêu nguyên tắc bất di bất dịch cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Người: Muốn làm lớn, thì phải phục vụ; Hãy có tâm hồn đơn sơ như trẻ em. Chúa Giêsu không nói suông, mà chính Người làm gương cụ thể cho chúng ta, như tác giả Mác-cô ghi lại lời tuyên bố của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).
Muốn chiến thắng bản thân, phải nhận diện và gọi tên những nết xấu thường trực trong con người mình. Vì trong lòng chất chứa những dụng vọng và ý đồ ghen tỵ, nên người ta muốn làm hại người khác. Tác giả sách Khôn Ngoan đã gọi đó là “Phường vô đạo” (Bài đọc I). Dường như những người này cũng tin vào Thiên Chúa, nhưng ghen tương đố kỵ đã làm cho lòng họ trở nên chai đá. Họ thù ghét những người tốt bụng và lập mưu để triệt hạ những người công chính.
Đối diện với sự dữ, người tin vào Chúa luôn không hoảng loạn và nhất là không lấy ác báo ác. Người công chính tin vào đức công minh của Thiên Chúa. Tác giả Thánh vịnh đã diễn tả niềm xác tín cậy trông của người tín hữu, khi gặp gian nan hoạn nạn và khi bị người đời khinh ghét. Ai tin vào Chúa, chắc chắn sẽ không phải thất vọng, vì Người là Đấng trung thành.
Trong khi con người luôn quy hướng về bản thân, thì Chúa Giêsu lại hướng chúng ta đến với người khác. Khi phục vụ, chúng ta tìm được niềm vui. Khi sống khiêm nhường, chúng ta nên giống Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Đích điểm của đời sống Kitô hữu là cố gắng mỗi ngày để giảm thiểu những đam mê, bớt đi những ích kỷ. Lúc đó, kẻ thù lớn nhất nơi chúng ta sẽ bị tiêu diệt, và chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org