Connect with us

Mùa thường niên

Lòng vị tha – Chúa nhật VII Thường niên

Giữa bối cảnh xã hội còn nhiều xung đột và bạo lực, Kitô hữu được mời gọi trở nên dấu chỉ của lòng nhân hậu.

Trong bối cảnh xã hội hôm nay, khi nói đến lòng vị tha, chúng ta giống như người nghệ sĩ vụng về chơi một cung đàn lạc điệu. Những tin tức hằng ngày tại xã hội Việt Nam mà chúng ta đọc thấy trên mạng truyền thông cho thấy con người ngày càng hung dữ đối với đồng loại, thậm chí ngay cả trong gia đình. Như một quán quân cần phải tập luyện gian khổ mới xứng nhận phần thưởng, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta phải vượt lên lối ứng xử của thời đại để trở nên những người vị tha nhân hậu. Nền tảng cho lòng vị tha của Kitô hữu là “vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương” (Thánh vịnh 102 trong phần Đáp ca). Con người được mời gọi sống nhân hậu, vì chính mỗi người cũng đã hơn một lần đón nhận lòng nhân hậu của Thiên Chúa, mặc dù có thể họ không nhận ra. Như người con chẳng mấy khi ý thức hoặc nhận ra lòng tốt của cha mẹ, trong khi tình thương cha mẹ thì luôn mênh mông tràn đầy.

Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, và những ai tin vào Ngài cũng phải sống nhân hậu. Đó là thông điệp chính mà Lời Chúa hôm nay muốn chuyển đến chúng ta. Vua Đa-vít là một mẫu gương về lòng vị tha. Chính lúc đang bị Sa-un truy đuổi để sát hại, vì ghen tương, Đa-vít có cơ hội tiếp cận Sa-un trong một cái hang rộng lớn. Lúc này, ông có thể giết chết người đang truy đuổi mình một cách dễ dàng. Tuy vậy, Đa-vít không làm thế, vì ông là người trung nghĩa. Ông tôn trọng người đã được Thiên Chúa xức dầu, mặc dù người đó có lỗi lầm đến đâu chăng nữa. Vua Đa-vít để lại tiếng thơm cho các thế hệ người Do Thái và cho tất cả chúng ta. Ông được tôn vinh là “Thánh Vương” và là niềm tự hào của dân tộc Do Thái.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Người được sai xuống trần gian để rao giảng về lòng từ bi nhân hậu của Chúa Cha. Trong giáo huấn của Người, Người luôn nhấn mạnh đến lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên những người lành cũng như kẻ dữ, làm mưa xuống cho người công chính cũng như kẻ bất lương. Người đã chúc phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (x. Mt 5, 7). Những đề nghị của Người trong Tin Mừng hôm nay xem ra vô cùng khó khăn và đòi hỏi Kitô hữu phải có nhân đức tới mức anh hùng. Những đề nghị của Chúa trong Tin Mừng cũng đi ngược hoàn toàn với quan niệm đời thường. Bởi lẽ người đời tự nhiên có khuynh hướng hơn thua, ăn miếng trả miếng, chứ nhất định không chịu thiệt. Đó cũng là quan niệm của Kinh Thánh Cựu ước, theo giáo huấn của ông Môi-sen. Trong khi đó, Chúa Giêsu dạy chúng ta: hãy tha thứ và cầu nguyện cho kẻ làm hại mình. Đức bác ái Kitô giáo đạt tới mức siêu việt ở những điểm này. Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, không ai còn là kẻ thù, nhưng tất cả là huynh đệ trong cùng một gia đình có Chúa là Cha. Như trên đã nói, nền tảng của lòng vị tha Kitô giáo đặt để trên chính bản tính của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa, nếu chúng ta thực thi lòng nhân hậu, là vì Chúa là Đấng nhân hậu. Chính chúng ta cũng đã từng đón nhận lòng nhân hậu của Chúa, nên chúng ta hãy sống nhân từ như Chúa Cha. Thực thi lòng nhân hậu, đôi khi phải chịu thiệt thòi về danh dự hoặc những điều khác. Hãy nhìn lên thập giá, nơi Đức Giêsu chịu khổ hình. Người bị người đời sỉ vả khinh thường, nhưng cũng qua biến cố này, Chúa Giêsu trở nên nguyên nhân cứu rỗi và là gương mẫu cho chúng ta trong sự hy sinh và lòng quảng đại.

Dẫu đang sống trong cuộc đời dương thế, Kitô hữu là người thuộc về thượng giới. Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh ông A-đam để so sánh với Chúa Giêsu. A-đam tượng trưng cho những gì thuộc về đất (lưu ý, trong nguyên ngữ Do Thái, chữ “A-đam” có nguồn gốc từ chữ ADAMA có nghĩa là “đất”), và Chúa Giêsu tượng trưng cho những gì thuộc về trời. Nhờ tin vào Chúa Giêsu, chúng ta thuộc về trời, và đang tiến bước tiến về quê trời. “Hướng về trời”, đó là cách nói diễn tả những cố gắng nỗ lực để nên hoàn thiện trong chính hoàn cảnh cụ thể của mình, trong mối tương quan với Chúa và với anh chị em đồng loại.

Giữa bối cảnh xã hội còn nhiều xung đột và bạo lực, Kitô hữu được mời gọi trở nên dấu chỉ của lòng nhân hậu. Khi thực thi bác ái và tha thứ, sẽ có nhiều hệ lụy kèm theo, nhưng chắc chắn một điều, là khi tha thứ, chính bản thân chúng ta cảm nhận niềm vui và chính chúng ta cũng được Chúa thứ tha.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

GIÁO XỨ KẺ SẶT - GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG
Đường Vạn Xuân, Khu Trung, Thị Trấn Kẻ Sặt, Huyện Bình Giang, Tỉnh Hải Dương, Việt Nam
------------------------
Email: quehuongtrangliet@gmail.com | Phone: 0961 370 460
Giờ mở cửa | 07:30 - 22:00
Copyright © 2022