Connect with us

Mùa phục sinh

Tìm lại niềm tin đã mất – Chúa nhật II Phục Sinh

“Phúc thay những người không thấy mà tin!”. Đây không phải chỉ là lời dành cho Tôma, mà còn là thông điệp cho mọi thế hệ.

Cả ba năm A,B,C của Chúa nhật thứ hai Phục sinh đều có chung một bài Phúc âm. Đó là trình thuật của tác giả Gioan về việc Chúa Giêsu phục sinh hiện đến với các tông đồ, lần thứ nhất không có Tôma, và lần thứ hai, có Tôma ở đó (x. Ga 20,19-31). Biến cố thập giá đã gây cho ông Tôma một cú sốc quá lớn. Trước đó, khi Chúa Giêsu quyết định đến Bêtania để làm cho ông La-gia-rô đã chết được sống lại, bất chấp những nguy hiểm đe dọa, ông Tôma đã khẳng khái nói với các tông đồ khác rằng: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,16). Điều này chứng tỏ ông là một người bạo dạn cương quyết trong việc theo Thầy mình.

Trước biến cố thập giá, Tôma là người đã mất niềm tin. Khi gặp Đấng Phục sinh bằng xương bằng thịt, ông tìm lại được niềm tin đã mất. Trước cuộc thương khó của Thầy mình, Tôma cũng như các tông đồ khác đã cùng ăn uống với Người, nhưng bây giờ để tin, ông cần bằng chứng. Cũng như biết bao người khác của mọi thời đại, Tôma cần có chứng cớ xác thực, làm nền tảng cho niềm tin của mình. Ông đã thách thức: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Điều kiện của Tôma đưa ra cũng hợp lý. Bởi lẽ để gửi gắm niềm tin nơi một người nào đó, người ta cần có chứng cớ cụ thể. Ba động từ được ông dùng trong câu trích dẫn trên là thấy, xỏ ngón tay, đặt bàn tay. Ông muốn khẳng định: để tin thì phải mắt thấy tai nghe và thân xác phải chạm tới. Tuy vậy, tám ngày sau đó, khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra và chấp nhận những điều kiện của Tôma, thì ông lại “đứng hình” khiếp vía. Ông không còn dám xỏ ngón tay và đặt bàn tay vào các vết thương của Người nữa. Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu Phục sinh bằng xương bằng thịt đã làm cho Tôma hoàn toàn bị thuyết phục. Điều đặc biệt ở đây là Tôma tuyên xưng đức tin bằng một công thức chưa hề có trước đó trong Tin Mừng thánh Gioan: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Qua lời tuyên xưng này, ông Tô-ma đã diễn tả định nghĩa tín lý cốt lõi sau này của Kitô giáo. Đối với Tôma và các tông đồ, từ nay Đức Giêsu không còn phải là Chúa, mà là Thiên Chúa, tức là Đấng quyền năng đã tỏ mình ra trong lịch sử của dân tộc Ít-ra-en. Quyền năng ấy thể hiện ở việc cửa nhà đóng kín mà Người vẫn vào được. Cũng vậy, dù các ông nhìn thấy Chúa bằng con mắt thể lý, nhưng vẫn chưa nhận ra Người vì chưa được Người soi sáng. Đấng Phục sinh không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Người là Thiên Chúa thật. Niềm tin đã mất không chỉ được thấy lại, mà còn hoàn hảo và trọn vẹn sâu sắc hơn nhiều.

“Phúc thay những người không thấy mà tin!”. Đây không phải chỉ là lời dành cho Tôma, mà còn là thông điệp cho mọi thế hệ. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi lúc đó đâu có nhìn thấy Đức Giêsu bằng xương bằng thịt, vậy mà số tín hữu càng ngày càng đông. Niềm xác tín vào sự hiện diện của Đấng Phục sinh đã giúp ông Phêrô có thể chữa bệnh, thậm chí cái bóng của ông phủ lên bệnh nhân, cũng làm cho họ được chữa lành khỏi những bệnh hiểm nghèo. Cũng chính từ niềm tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà các Kitô hữu hội họp tại hành lang Salômôn, tức là một phần của Đền thờ Giêrusalem, là nơi thờ phượng Thiên Chúa của người Do Thái để ôn lại giáo huấn của Người. Từ nay, Thiên Chúa của các Tổ phục cũng là Thiên Chúa của các Kitô hữu (Bài đọc II).

Hai mươi thế kỷ sau sự kiện Phục sinh, hôm nay Giáo Hội vẫn tiếp tục rao giảng Đấng Phục sinh và khẳng định: Người đang hiện diện giữa chúng ta! Chúa Kitô đang sống! Các tín hữu hôm nay và chúng ta đang được Đấng Phục sinh chúc phúc, vì chúng ta là những người “tuy không nhìn thấy mà vẫn vững niềm tin”.

Trong Bài đọc II, tông đồ Gioan chia sẻ với chúng ta hạnh phúc thiên đàng, là tương lai và lý tưởng của Kitô hữu. Đó là hình ảnh Con Người trong vinh quang thiên quốc. Phúc cho những ai vững niềm xác tín vào sự hiện diện của Đấng Hằng Sống, người đã chiến thắng tử thần và âm phủ. Người đang được tôn vinh nơi thiên quốc và đồng thời cũng đang hiện diện giữa chúng ta.

Hôm nay cũng là Chúa nhật của lòng Chúa Thương Xót, do sáng kiến của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô từ năm 2000. Mục đích của ngày này giúp chúng ta cảm nhận lòng thương xót của Chúa Cha thể hiện qua cuộc đời Chúa Giêsu mà đỉnh cao là biến cố thập giá, từ đó chúng ta sẽ thực thi lòng thương xót đối với tha nhân. Nếu Chúa Giêsu chúc phúc cho những người tin vào Chúa, thì Người cũng chúc phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa, Đấng Tối cao (x.Mt 5,7). Thế giới hôm nay rất cần đến lòng thương xót, không chỉ là từ nhu cầu vật chất, mà còn thiếu tình thương, tình liên đới cảm thông và giúp nhau hướng về sự thiện. Mỗi chúng ta cũng cần đến lòng thương xót của Chúa, như lá chắn che chở chúng ta giữa những xô đẩy của dòng đời. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

GIÁO XỨ KẺ SẶT - GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG
Đường Vạn Xuân, Khu Trung, Thị Trấn Kẻ Sặt, Huyện Bình Giang, Tỉnh Hải Dương, Việt Nam
------------------------
Email: quehuongtrangliet@gmail.com | Phone: 0961 370 460
Giờ mở cửa | 07:30 - 22:00
Copyright © 2022