Mùa thường niên
Tìm kiếm Chúa – Chúa nhật XXII Thường niên A
Con người tự nhiên hướng về Thượng Đế, như hoa hướng về mặt trời, như suối hướng về nguồn và như lá rụng về cội.
Con người tự nhiên hướng về Thượng Đế, như hoa hướng về mặt trời, như suối hướng về nguồn và như lá rụng về cội. Từ nơi sâu thẳm trong cõi lòng con người, Thiên Chúa đặt để một khát vọng sâu xa để luôn hướng về Ngài. Có thể hình ảnh về Thiên Chúa mang tính khác biệt tùy thuộc nền văn hóa, truyền thống hay thói quen, nhưng tựu trung, con người luôn hướng về Đấng Tuyệt Đối, Đấng Cao Cả, , Ông Trời, Đấng là Nguồn Cội của mọi sự mọi loài. Đức Giêsu đến trần gian để nói với chúng ta: Đấng ấy là Thiên Chúa, là Cha giàu lòng thương xót.
“Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước”. Lời Thánh vịnh 62 quen thuộc diễn tả sự khát khao của con người luôn hướng về Chúa như cội nguồn. Lời kinh cho thấy, trọn vẹn cả đời người tín hữu, sáng, trưa, chiều đều hướng về Chúa và không ngừng tìm kiếm Ngài. Đọc Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy đây chính là tâm tình của Chúa Giêsu. Bởi lẽ, các tác giả Phúc âm kể lại, sau khi Chúa Giêsu làm việc vất vả cả ngày, thì sáng sớm, Người lánh ra một nơi thanh vắng để cầu nguyện. Trọn vẹn cuộc đời của Chúa Giê-su là kết hợp với Chúa Cha, tìm kiếm và thực hiện thánh ý của Ngài. Người tín hữu noi gương Đức Giêsu, luôn khao khát Chúa, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước. Những ai tìm gặp Chúa, Ngài sẽ tỏ mình ra cho họ, và sẽ ban cho họ niềm vui tràn đầy, như thửa đất màu mỡ, làm cho cây cối xanh tươi.
Tuy vẫn hướng về Chúa như hướng về Nguồn Cội, nhưng con người phải trải qua những cố gắng và những gian nan chiến đấu để đạt tới mức hoàn thiện như Chúa muốn. Giê-rê-mi-a là vị ngôn sứ sống ở thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên. Ông phải trải qua nhiều thử thách gian nan, thậm chí có lúc muốn chối bỏ sứ mạng Chúa trao. Tuy vậy, mỗi lần ông muốn bỏ cuộc, thì ông lại cảm thấy bứt rứt khôn nguôi. Nói về Chúa, ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Bài đọc I) dùng ngôn ngữ của đôi bạn tình: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ”. Tình yêu dành cho Chúa đến từ hai phía. Đó vừa là sáng kiến đến từ Thiên Chúa, vừa là sự đáp trả từ phía con người. Đây là tình yêu gắn bó, không dễ gì rũ bỏ. Trong khi làm mục vụ, chúng tôi thường gặp những người tín hữu, vì hoàn cảnh xã hội đưa đẩy, hoặc vì tham gia công tác xã hội, nên đã bỏ Chúa và sống như người không công giáo. Một thời điểm nào đó, có thể vào lúc tuổi xế chiều, ơn Chúa tác động, đức tin hồi sinh, và những người này trở lại với Chúa, xin lãnh nhận các bí tích trước khi qua đời. Lúc đó vợ, chồng hoặc con cái mới biết cha ông mình là người có Đạo.
Tin theo Chúa như một cuộc chạy đua trên thao trường, mọi vận động viên đều phải cố gắng với hy vọng đạt được phần thưởng. Người tín hữu phải trải qua những gian nan để đổi mới bản thân, thay đổi quan niệm, thay đổi cách nhìn đối với tha nhân. Thánh Phao-lô (Bài đọc II) khuyên nhủ giáo dân Rô-ma “hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”. Vào thời đó, đây là một quan niệm mới mẻ, vì của lễ dâng Chúa thường là chiên, bò, dê và tế vật. Dưới lăng kính Ki-tô giáo, của lễ dâng đẹp lòng Chúa chính là bản thân người tín hữu. cùng với lòng sám hối chân thành và lòng độ lượng bao dung. Của lễ chiên bò đã trở nên lỗi thời và không còn cần thiết nữa, vì chính Chúa Giêsu là Chiên vượt qua mới, đã chịu sát tế để đền thay tội lỗi muôn dân. Người tín hữu được mời gọi hiến dâng chính thân mình, kết hợp với hy tế của Chúa Giêsu.
Con đường theo Chúa cũng là con đường thập giá. Ngỏ lời với các môn đệ, Chúa Giêsu cho các ông biết những điều kiện phải có để đi theo Người, đó là vác thập giá. Theo Chúa là một chọn lựa tự do, không miễn cưỡng ép buộc. Chúa nói rõ: vác thập giá mình, tức là biết vượt lên những yếu đuối của bản thân và những khó khăn đang bủa vây cuộc sống. Chúa Giêsu đến trần gian, không phải để huỷ bỏ thập giá, nhưng Người đã vác thập giá trên vai. Một số người Do thái đã đặt thập giá lên vai Người và cuối cùng, họ đóng đinh Người vào cây gỗ thập giá ấy. Người tin Chúa không được “miễn nhiễm” khỏi thập giá, nhưng họ có Chúa vác thập giá với họ, nhờ đó gánh nặng cuộc đời trở nên nhẹ nhàng và bớt nghiệt ngã hơn.
Thập giá là một huyền nhiệm. Phêrô chưa được chuẩn bị để hiểu được huyền nhiệm ấy. Vừa trước đó, ông mạnh mẽ tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (x. Mt 16,16), vậy mà khi nghe Chúa nói đến cuộc khổ nạn, ông vội can ngăn. Đức Giêsu nghiêm khắc quở trách và gọi ông là “satan”. Lời quở trách nghiêm khắc này cho thấy Chúa không chấp nhận “bàn lùi” trong việc thực thi thánh ý của Chúa Cha. Chúa coi ý tưởng của Phêrô như một cơn cám dỗ, như satan trong hoang địa đã từng cám dỗ Chúa bỏ cuộc. Hôm nay, thập giá vẫn đi ngang qua cuộc đời mỗi chúng ta. Dưới lăng kính đức tin, chúng ta có thể nhận ra ý nghĩa của đau khổ, đó là kết hợp với đau khổ của Chúa Giêsu, để cứu rỗi bản thân và vì hạnh phúc của đồng loại.
Thập giá mãi mãi cũng là một huyền nhiệm đối với chúng ta. Con người sinh ra ở đời đã cất ba tiếng khóc chào đời. Phải chăng đó là lời than vãn cho thân phận nghiệt ngã của mình? Tuy vậy, con người cũng mang phẩm giá cao cả vì là hình ảnh của Thiên Chúa và được Chúa yêu thương. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Như thế, cuộc sống trần gian đan xen giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa nụ cười và nước mắt. Người tin Chúa sẽ tìm được sức mạnh nơi thập giá Chúa Kitô. Nói đúng hơn là tìm được sức mạnh nơi Chúa. Người đã hứa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, để cùng bước đi với chúng ta trong hành trình cuộc đời.
Thưa anh chị em, mỗi ngày sống là một khám phá ra sự tốt lành của Chúa, và cảm nhận sự ngọt ngào mà sự hiện diện của Chúa mang lại. Xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui nội tâm, để chúng ta tiếp tục tìm kiếm Chúa trong suốt cuộc đời. Amen.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org