Mùa thường niên
Giả hình – Chúa nhật XXXI Thường niên A
Tội giả hình đã ăn sâu nơi bản chất con người. Tâm lý tự nhiên, ai cũng muốn mình được nhiều người biết tới và khen ngợi tung hô.
Từ điển Công giáo định nghĩa giả hình là “hình thức dối trá, giả vờ có các nhân đức hoặc lòng đạo đức mà thực ra bên trong không có”. Tội giả hình đã bị lên án gay gắt trong Cựu ước. Quả vậy Thiên Chúa đã phán trong ngôn sứ I-sai-a: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta (Is 29,13). Chúa Giêsu trích dẫn nguyên văn những lời này, trong khi một số người biệt phái phê phán các môn đệ vì không rửa tay trước khi ăn (x.Mc 7,1-8)
Tội giả hình đã ăn sâu nơi bản chất con người. Tâm lý tự nhiên, ai cũng muốn mình được nhiều người biết tới và khen ngợi tung hô. Không chỉ che mắt người đời, người ta còn giả hình trước mặt Thượng Đế và các thần linh nữa. Những câu chuyện liên quan đến những chiếc bánh chưng, bánh giày vĩ đại mà lại có xốp bên trong để tiến Vua Hùng cách đây vài năm đã cho thấy điều đó. Nhiều người cho rằng “Dương sao âm vậy; con người sao thì thần linh cũng vậy”, cho nên họ đút lót hối lộ các vị thần thánh để được bổng lộc chức tước, vì nghĩ rằng “tốt lễ thì dễ kêu”.
Thiên Chúa không có nhu cầu nhận lễ vật. Đôi khi lễ vật làm cho ngài không vui. Ngôn sứ Hô-sê đã thuật lại lời Đức Chúa: “Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường; hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu… những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi. Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa (Hs 3,21-23).
Nội dung Lời Chúa của Chúa nhật này gồm những lời oán trách. Đối tượng của những lời oán trách gay gắt ấy lại là những tư tế. Như chúng ta đã biết, các tư tế là thành phần ưu tuyển, được chọn trong chi tộc Lê-vi. Họ là trung gian giữa Thiên Chúa và Dân Người, để chuyển tải phúc lành của Chúa cho dân và để thay mặt dân dâng lời thỉnh cầu lên Chúa. Nhiệm vụ thì cao cả là thế, nhưng con người tư tế thì lại đầy những thấp hèn. Qua ngôn sứ Ma-la-khi, Thiên Chúa đã khiển trách các tư tế nặng lời, thậm chí còn đe dọa sẽ trừng phạt: “Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật”. Chắc hẳn các tư tế thời ngôn sứ Ma-la-khi đã có nhiều lỗi phạm và sa đọa trong đời sống. Họ là những người giả hình. Bởi lẽ lời giảng dạy của họ thì tốt lành cao siêu, nhưng cuộc sống của họ thì không được như vậy.
Vào thời Chúa Giêsu, Phụng vụ Đền thờ Giêrusalem cũng nhuốm màu thương mại. Chúng ta còn nhớ sự kiện Đức Giêsu chắp dây thừng làm roi, xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ với lời khiển trách: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Lc 19,46). Cả bốn tác giả Phúc âm đều thuật lại sự kiện này, trước sự ngỡ ngàng của độc giả. Có lẽ các tư tế thời ấy cũng tham lam, ăn hối lộ và sống buông thả bê tha. Chúa Giêsu đã khiển trách họ: “Họ làm việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài…” Đúng với định nghĩa về giả hình trên đây. Họ tỏ ra đạo đức thánh thiện, nhưng trong thực tế thì ngược lại.
Lời khiển trách của Chúa Giêsu phải là điều suy niệm nghiêm túc của các linh mục. Bởi lẽ các linh mục hôm nay là những tư tế của Giao ước mới. Các ngài được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô. Tuy vậy, các linh mục vẫn là những con người, vẫn mang trong mình tham, sân, si và hỷ, nộ, ái, ố của kiếp nhân sinh. Linh mục là người rao giảng Chúa Kitô chứ không phải rao giảng chính mình. Những lời giáo huấn của Chúa Giêsu ở phần hai của bài Tin Mừng hôm nay đã nói lên ý nghĩa những danh xưng mà chúng ta thường sử dụng. Nếu chúng ta gọi các linh mục là “cha”, không có nghĩa là nhằm tôn vinh cá nhân của các ngài. Bản thân linh mục, khi được người ta gọi là “cha”, phải luôn tâm niệm, mình phải trở nên hiện thân của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn nhân từ và yêu thương gần gũi mọi người. Có tác giả gọi danh xưng “cha” của linh mục hay danh xưng “bề trên” của các dòng là những danh xưng mang tính bí tích, tức là những dấu chỉ hướng người ta về một thực tại cao siêu vô hình. Bản thân những người được gọi với những danh xưng này phải cố gắng mỗi ngày để dần dần nên xứng đáng với những danh xưng ấy. Linh mục với danh nghĩa là “cha” phải làm cho người khác thấy hình ảnh Chúa Cha nơi cuộc đời mình.
Một cách rất tự tin, thánh Phaolô tâm sự với giáo dân Thê-xa-nô-li-ca, đồng thời nêu chính bản thân mình như mẫu gương của đời sống khiêm nhường, bác ái. Ngài tự làm việc kiếm sống, không muốn mình trở nên gánh nặng của tín hữu. Ước chi các tư tế của Giao ước mới, tức là các linh mục, cũng biết noi gương vị thánh tông đồ, luôn sống thánh thiện để không trở nên gánh nặng cho Dân Chúa, hiểu theo mọi chiều kích khác nhau.
Sự giả hình dường như ăn sâu nơi mỗi người chúng ta. Tin vào quyền năng của Thiên Chúa, xác tín vào sự hiện diện của Người, sẽ giúp chúng ta sống ngay thẳng và trung thực hơn, vì hằng giây hằng phút, chính Chúa đang ngắm nhìn chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org