Mùa thường niên
Phục vụ và lắng nghe – Chúa nhật XVI Thường niên
Những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa, sẽ được đón nhận những ơn lành.

Thông điệp chính của Phụng vụ Chúa nhật XVI năm C là lời mời gọi các tín hữu hãy chuyên tâm lắng nghe Lời Chúa và áp dụng Lời ấy trong cuộc sống. Việc áp dụng Lời Chúa vô cùng quan trọng, bởi lẽ nó giúp tạo nên hình ảnh và nhân cách Kitô hữu. Xin nhắc lại hình ảnh người Samari nhân hậu trong bài Tin Mừng Chúa nhật trước (CN XV). Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu khẳng định đức ái phải được thể hiện bằng việc làm cụ thể với mọi người. Khi thực thi Lời Chúa, người tín hữu sẽ trở nên giống như Đức Giêsu Kitô, vì Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Nói cách khác, nơi cuộc sống và giáo huấn của Chúa Giêsu, mọi thánh ý của Thiên Chúa được chuyển tải đến cho con người. Một tác giả đã khẳng định: nơi Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa đã mạc khải hết ý định yêu thương và cứu độ của Ngài cho nhân loại. Bên bờ sông Giođan, lời Chúa Cha từ trời đã phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Tác giả thư gửi tín hữu Híp-ri đã mở đầu thư như sau: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Hr 1,1-2a). Như vậy, cuộc sống và giáo lý của Chúa Giêsu gồm tóm trọn vẹn giáo huấn của Cựu ước.
Những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa, sẽ được đón nhận những ơn lành. Những ơn ấy, nhìn theo khía cạnh loài người, có thể là những điều không tưởng. Đó là trường hợp ông Áp-ra-ham. Ông và vợ ông là bà Xara đã cao niên. Một ngày nọ ông bà được vinh dự đón tiếp Đức Chúa, thể hiện qua ba vị nam giới đến thăm. Sau cuộc tiếp đãi thân tình chu đáo, các vị thượng khách nói với ông bà: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó, bà Xara vợ ông sẽ có một con trai”. Trước lời tiên báo này, chính ông bà cũng hết sức ngạc nhiên và nghĩ đó là điều không tưởng. Tuy vậy, quyền năng của Thiên Chúa không giống như khả năng hữu hạn của con người. Năm sau, I-xa-ác đã sinh ra bởi cặp vợ chồng cao niên này.
Câu chuyện tại Bêtania được thánh Luca ghi lại cho thấy mối thân tình giữa Chúa Giêsu và các thành viên của gia đình bà Mát-ta và Maria. Mối liên hệ này cũng được thánh Gioan ghi lại trong phép lạ ông Ladarô đã chết bốn ngày được sống lại. Chúa Giêsu thể hiện tình yêu mến đặc biệt với ông Ladarô và các thành viên trong gia đình (x. Ga 11, 1-45). Gia đình này cũng là nơi Chúa Giêsu ghé thăm sáu ngày trước lễ Vượt qua, và trong bữa ăn, cô Maria lấy dầu quý mà xức chân Chúa (x. Ga 12,1-11).
Trước lời trách móc thân tình của bà Mát-ta, Chúa Giêsu đã nói: “Con lo lắng nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”. Chắc chắn khi nói những điều này, Chúa Giêsu không có ý coi thường những vất vả lo toan của bà Mát-ta, là người tất bật để đón Chúa chu đáo. Cả hai đều cần thiết trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Nếu Mát-ta bận rộn với việc phục vụ, thì Maria lại chìm sâu trong suy niệm Lời Chúa. Cả hai khía cạnh đều bổ túc để làm nên người môn đệ hoàn hảo của Chúa Giêsu.
Dù cả hai khía cạnh “phục vụ” và “lắng nghe” đều quan trọng, nhưng để trở thành môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta phải “chọn điều cần thiết duy nhất”, tức là việc chuyên tâm lắng nghe Lời Chúa. Đó là điều ưu tiên. Lời Chúa mà chúng ta đón nhận sẽ tác động và giúp chúng ta có nhiệt huyết để phục vụ anh chị em mình tốt hơn.
Tại Giáo hội miền Bắc, vì thiếu linh mục và giáo lý viên trong một thời gian dài, nên khá nhiều Kitô hữu chưa có thói quen lắng nghe và suy niệm Lời Chúa. Đời sống đức tin chỉ dừng lại nơi những hoạt động bề ngoài mà thiếu khía cạnh nội tâm. Người tín hữu không được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa không thể sinh hoa kết trái là việc thiện. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh rất sinh động để diễn tả việc đón nhận Lời Chúa: người nghe Lời Chúa mà thực hành sẽ giống như người xây nhà mình trên đá; ngược lại, người nghe Lời Chúa mà không thực hành sẽ giống như xây nhà trên cát (x. 7,24-27). Lời Chúa là kho tàng của cải thiêng liêng. Ai gắng lo tích trữ sẽ không bao giờ “bị lấy đi”.
Chuyên cần lắng nghe Lời Chúa, Kitô hữu còn có bổn phận loan truyền Lời Chúa cho những người xung quanh. Thánh Phaolô (Bài đọc II) là tấm gương cho chúng ta trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ông đã trải lòng: Tôi đã trở nên người phục vụ Hội thánh, theo kế hoạch của Thiên Chúa ủy thác cho tôi, liên quan tới anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn. Vâng, rao giảng Lời Chúa, đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Thiên Chúa vẫn đang đi ngang qua cuộc đời chúng ta bằng nhiều hình thức khác nhau: Chúa đến với chúng ta như một biến cố ngẫu nhiên trong cuộc sống (như trường hợp ông Áp-ra-ham). Ngài đến qua những khuôn mặt thân thương của những người xung quanh, và qua những mảnh đời bất hạnh khó nghèo. Một cách đặc biệt, Ngài đến với chúng ta qua Lời Hằng Sống, là lời nuôi dưỡng chúng ta và đem lại cho chúng ta hạnh phúc.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org